Là đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn, những năm qua, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) luôn nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể, bám sát tinh thần, mục tiêu mà Đảng bộ tỉnh đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong đó đặc biệt quan tâm tới 2 lĩnh vực là đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN).
Trong 3 năm qua (2006-2008), các trường thành viên của ĐHTN đã tuyển sinh hệ chính quy được 4.374 sinh viên và hàng nghìn học viên hệ vừa học vừa làm cho con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Bên cạnh đó, qua việc phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh đã có trên 800 cán bộ được tập huấn về tin học, cơ khí, sư phạm kỹ thuật, y tế, truyền thông dân số và sức khỏe sinh sản.
Cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực, ĐHTN đóng vai trò rất lớn trong nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao KHCN. Năm 2001, ĐHTN đã ký kết phối hợp hoạt động KHCN với tỉnh giai đoạn 2001-2005 trên 4 lĩnh vực chủ yếu là: Nông, lâm nghiệp; giáo dục-y tế; công nghiệp; công nghệ thông tin. Nhờ sự phối hợp này, hoạt động KHCN của tỉnh có điều kiện huy động tiềm lực của các trường thành viên ĐHTN gắn với phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, các chương trình, đề tài, dự án giai đoạn này chưa có tính ổn định, bền vững. Mặc dù các đề tài, dự án đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của địa phương là: tạo ra các tập đoàn giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Bản thân một số ngành, địa phương của tỉnh thiếu chủ động trong việc phối hợp với các cơ sở đào tạo, chuyển giao KHCN.
Khắc phục những tồn tại trong hoạt động phối hợp giai đoạn 2001-2005, giai đoạn 2007-2010, bám sát các yêu cầu của tỉnh, ĐHTN tập trung vào các vấn đề: ưu tiên chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các tập đoàn giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao… Sau hơn 2 năm triển khai phối hợp giai đoạn II đã có 8 đề tài, dự án được triển khai, đem lại hiệu quả bước đầu.
Trên lĩnh vực đầu tư, Đại học Kinh tế & Quản trị Kinh doanh triển khai đề tài "Nghiên cứu bổ sung những chính sách nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên" đến nay đã được nghiệm thu đạt loại khá. Nổi bật nhất là các đề tài, dự án trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Chúng tôi đã cùng lãnh đạo Trường ĐH Nông lâm, Sở Khoa học Công nghệ đi kiểm tra thực hiện dự án "Xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản tổng hợp nhằm nâng cao thu nhập và an toàn vệ sinh thực phẩm trên một đơn vị diện tích" tại huyện Phú Bình. Điều dễ nhận thấy là từ việc triển khai dự án này, người dân được cung cấp một quy trình nuôi thủy sản chuẩn, đảm bảo vệ sinh trong nuôi trồng, chất lượng sản phẩm được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của thị trường về chất lượng đi đôi với vệ sinh an toàn thực phẩm.
Được biết, giai đoạn 2009-2010, chương trình phối hợp giữa tỉnh và ĐHTN tập trung vào các đề tài dự án đã được phê duyệt: Sản xuất trà tươi đóng hộp và sản phẩm từ trà xanh; khảo nghiệm nuôi cá Lăng Chấm, cá Vược, cá rô phi đơn tính trong lồng trên hồ Núi Cốc; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất kim loại từ nguồn nguyên liệu quặng tận thu, quặng nghèo, quặng đa kim…