Thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2009: Vẫn rắc rối với phần đề riêng

09:05, 18/04/2009

Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2009 đang tới gần. Quy chế thi, "kịch bản" về quy trình, hướng dẫn tổ chức thi đã được Bộ GD-ĐT ban hành. Việc hướng dẫn làm phần đề riêng theo đúng quy chế, nhất là với HS ban Cơ bản đã khiến cho HS, giáo viên, giám hiệu, Sở GD-ĐT các địa phương ngày càng băn khoăn dù đã tốn khá nhiều giấy mực để bàn.

Học gì, thi nấy

 

Đó là quan điểm được thể hiện rất rõ trong việc hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp của Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) gửi các nhà trường. Cấu trúc đề thi tốt nghiệp của Bộ GD-ĐT với tất cả các môn (trừ môn ngoại ngữ không có phần đề riêng) cũng nêu rõ, đề thi có phần chung cho tất cả thí sinh (TS), ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn (CTC) và chương trình nâng cao (CTNC) và phần riêng cho TS học theo từng chương trình (CT): CTC hoặc CTNC. Quy chế thi tốt nghiệp THPT mới ban hành cũng quy định: TS học theo CT nào phải làm phần riêng của đề thi, ứng với CT đó; TS làm cả 2 phần riêng của đề thi thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi.

 

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Quy định như vậy là để bảo đảm quyền lợi cho TS được học CT nào thì thi theo đề của CT đó. Riêng với TS học ban Cơ bản, nếu học các môn theo CTC, SGK biên soạn theo CTC (kể cả môn học theo CTC, SGK biên soạn theo CTC và có học một số chủ đề tự chọn nâng cao) thì làm phần riêng của đề thi ứng với CTC; với các môn học theo CTNC, SGK biên soạn theo CTNC thì chọn phần riêng của đề thi ứng với CTNC. Như vậy là không nhất thiết TS phải đăng ký tất cả các môn thi tốt nghiệp theo một CT học mà tùy thuộc theo từng môn học cụ thể ở trường THPT để đăng ký dự thi (ĐKDT).

 

Phiếu ĐKDT là căn cứ quản lý HS?

 

Thực tế, số HS theo học ban Cơ bản ở các nhà trường hiện chiếm số lượng lớn. Cụ thể như ở Hà Nội, tỷ lệ này tính đến hết học kỳ I năm học 2008-2009 là 79,4%. Trong khi ấy, hình thức khá phổ biến được các trường triển khai hiện nay là tổ chức cho HS học ban Cơ bản và chọn học theo CTNC một số môn tương ứng với khối thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

 

Theo quy chế của Bộ về việc sắp xếp TS ở các cụm trường, danh sách TS được sắp xếp theo 3 bước, trong đó có việc xếp theo thứ tự ban (ban Khoa học tự nhiên, ban Khoa học xã hội và nhân văn, ban Cơ bản…). Các địa phương cũng chỉ biết dựa trên quy chế này để hướng dẫn việc sắp xếp danh sách TS ở từng cụm trường trong khi kỳ thi đã ngày càng gần, song bộ cũng chưa có thêm một văn bản hướng dẫn chi tiết nào về việc này để có thể quản lý sát hơn việc TS có chấp hành đúng quy chế hay không trong việc chọn làm phần riêng đề thi.

 

Ông Lê Quán Trần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, trong hướng dẫn ôn tập ban hành cuối tháng 3 vừa qua đã quy định rất rõ cho TS từng ban để lựa chọn chính xác phần đề riêng tương ứng. Còn theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, năm nay, mẫu phiếu ĐKDT của TS có nhiều điểm mới, ví dụ như ngoài việc đăng ký dự thi theo ban, còn có nội dung đăng ký theo CT (CTC hoặc CTNC) với từng môn thi cụ thể. Bởi vậy, việc quản lý TS có làm đúng quy chế hay không là có thể và căn cứ là phiếu ĐKDT.

 

Nói như vậy thì các địa phương sẽ phải sắp xếp TS theo ban (như quy chế) hay theo CT (như phiếu ĐKDT)? Theo ý kiến của cơ sở thì việc sắp xếp TS theo từng CT cũng khó khả thi và nếu có sẽ gây thêm rắc rối cho TS. Sẽ có chuyện cùng ở ban Cơ bản nhưng số lượng TS dự thi theo từng CT ở từng môn khác nhau. Vậy một TS sẽ dùng một số báo danh hay nhiều số báo danh? Ở cùng một phòng thi hay thay đổi phòng thi theo môn?...

 

Những rắc rối trong việc chọn phần đề thi riêng sẽ được giải quyết nếu Bộ GD-ĐT chấp nhận phương án: "Chỉ TS làm cả 2 phần riêng của đề thi thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần riêng của đề thi, còn vẫn bố trí danh sách thi theo ban, TS chọn phần nào cũng được vì các em sẽ phải chọn phần mình học cho an toàn" nhiều hiệu trưởng hiến kế.