Mức học phí mới dự kiến áp dụng từ năm học 2009-2010, được tính dựa trên thu nhập bình quân đầu người ở từng khu vực khác nhau, theo từng bậc học và loại hình đào tạo.
Đây là một trong những nội dung của “Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012”.
Đại học: Chia 7 nhóm ngành
Ở bậc đại học, mức học phí mới được áp dụng với 7 nhóm ngành học, được tính theo từng bậc học và loại hình đào tạo.
Theo đó, nhóm ngành Y dược có mức học phí cao nhất là 800.000 đồng/tháng/sinh viên. Học phí của các nhóm ngành còn lại dao động từ 230.000-650.000 đồng/tháng/sinh viên.
Riêng SV ngành sư phạm sẽ đóng mức học phí từ 200.000-500.000 đồng. Trong trường hợp SV sư phạm vay vốn tín dụng để đóng học phí, sau khi ra trường, nếu đi dạy học ít nhất 5 năm (đối với Đại học, Cao đẳng) và 3 năm (đối với Trung cấp chuyên nghiệp) thì nhà nước sẽ xoá nợ (cả gốc lẫn lãi).
Với các ngành đào tạo không chính quy, học phí không vượt quá 150% mức học phí chính quy. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức học phí.
Giữa chương trình đại trà và chương trình chất lượng cao, mức học phí cũng sẽ khác nhau. Đối với chương trình đại trà ở các bậc học, học phí được xét theo căn cứ đã nêu. Đối với các chương trình chất lượng cao, phần chi tăng thêm (ngoài phần chi của Nhà nước) sẽ do người học đóng góp.
Học phí phổ thông: Không quá 6% thu nhập
Ở bậc phổ thông và mầm non, học phí được tính dựa trên thu nhập bình quân của hộ gia đình ở từng khu vực khác nhau, và sẽ không chiếm quá 6%. Mức học phí này sẽ do Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định để phù hợp với tình hình từng địa phương.
Nếu hộ dân nào có thu nhập quá thấp, 6% chưa đảm bảo chi phí đủ cho các nhu cầu học tập thì Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm, ngoài phần miễn học phí.
Đề án này cũng đảm bảo học sinh Tiểu học, thuộc diện chính sách, thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia tiếp tục được miễn học phí. Các đối tượng cận nghèo và gia đình chính sách cũng được giảm học phí. Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ chi phí học tập cho các vùng có thu nhập rất thấp.
Mức học phí ở các trường phổ thông chuyên thực hiện theo quy định chung của địa phương, không cao hơn các trường phổ thông đại trà trên địa bàn.
Đối với các trường dân tộc nội trú, Nhà nước sẽ đầu tư, hỗ trợ hoàn toàn chi phí hoạt động.
Các cơ sở đào tạo ngoài công lập và của nhà đầu tư nước ngoài được quyền quyết định mức học phí nhưng phải thực hiện 3 công khai về: chất lượng đào tạo, nguồn lực đào tạo, tài chính.
Đề án đổi mới cơ chế tài chính khẳng định: Đại diện phụ huynh học sinh ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; đại diện học sinh, sinh viên và các giáo viên, giảng viên có quyền và trách nhiệm giám sát sử dụng kinh phí của cơ sở giáo dục theo quy chế hoạt động của trường.