Học sinh Khánh Hoà đã được học lịch sử Trường Sa

08:10, 03/05/2009

- Chưa “chuyên nghiệp” như Đà Nẵng, nhưng trong chương trình giảng dạy hai môn Địa lý và Lịch sử, Sở GD-ĐT Khánh Hòa đã có lồng ghép các nội dung về Trường Sa.

Giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa - ông Lưu Quốc Thanh cho biết, khi tách tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thì Trường Sa trở thành một huyện đảo của Khánh Hòa.

 

Nội dung giảng dạy về lịch sử, địa lý Trường Sa đã được lồng ghép vào 2 môn học cùng tên. Qua đó khẳng định với học sinh Trường Sa là một huyện đảo của tỉnh Khánh Hòa nhằm mục đích giáo dục học sinh về lòng yêu nước.   

 

Tuy nhiên, để biên soạn thành tài liệu và đưa vào giảng dạy chính thức thì Sở GD-ĐT Khánh Hòa chưa làm được - ông Thanh nói.

 

Hiện tại, với môn Địa lý, hàng năm Sở thường bố trí 2 tiết giảng dạy Địa lí địa phương…, Trưởng Phòng giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT Khánh Hòa) Trần Thức cho biết.

 

Ông Nguyễn Hải Châu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD - ĐT) nhận định, việc lồng ghép nội dung giáo dục địa phương cũng là cơ hội để học sinh nắm và hiểu hơn về lịch sử, địa lý của địa phương, từ đó gắn bó hơn với quê hương.

 

Theo ông Nguyễn Hải Châu, nhiều năm nay, trong phân phối chương trình từng môn học cụ thể, Bộ GD - ĐT đều quy định dành một số tiết vào thời gian cuối năm học để đưa nội dung giảng dạy về địa phương vào chương trình.

 

Trong đó, Bộ chỉ quy định tổng thể chương trình gồm bao nhiêu chương, một chương học bao nhiêu tiết. Còn việc bố trí phân phối chương trình học, lồng ghép nội dung giáo dục thế nào sẽ do từng địa phương quyết định.

 

Tuy nhiên, Bộ cũng quy định là phải có giáo án ở dạng giáo trình hoặc tài liệu biên soạn của giáo viên.

 

Ông Châu cho biết thêm, đến nay hầu hết các địa phương đã lồng ghép những nội dung giáo dục liên quan đến địa phương vào các môn Văn, Sử, Địa… Nhưng để “chuyên nghiệp” như cách làm của Sở GD-ĐT Đà Nẵng vừa công bố thì mới “đếm trên đầu ngón tay”.

 

Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc (GĐ) Sở GD - ĐT TP. Đà Nẵng cho biết: từ đầu năm học 2009-2010 việc giáo dục lịch sử, địa lý, văn hóa về Hoàng Sa sẽ chính thức được đưa vào giảng dạy chính khóa trong trường học.

 

Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với chính quyền huyện đảo Hoàng Sa, Sở Nội vụ để tạo điều kiện cho ngành giáo dục địa phương tổ chức đưa các đoàn giáo viên, học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về Hoàng Sa tại trụ sở UBND huyện và Bảo tàng Hoàng Sa – ông Hoa nói.

 

Ngoài Đà Nẵng, theo khảo sát của ông Châu thì Cần Thơ cũng là địa phương đưa một số nội dung giảng dạy văn học sát với văn hóa địa phương…