Những năm gần đây, hòa cùng với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của Thái Nguyên đã phát triển nhanh chóng, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng.
Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập", việc tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học tỉnh nhiệm kỳ II (2008-2012) và đại hội Hội Khuyến học cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh đã tạo luồng không khí mới trong công tác Hội.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để Hội hoạt động. Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương Hội, với phương châm tăng cường phát triển, củng cố và nâng cao chất lượng công tác khuyến học từ các chi hội cơ sở, Tỉnh Hội đã triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác Hội, đề ra 7 chương trình trọng điểm để triển khai thực hiện trong năm 2009. Các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác khuyến học tiếp tục đến với mọi tầng lớp nhân dân qua nhiều kênh thông tin như: Báo in, Báo Điện tử, Đài PT - TH, một số thông tin nội bộ của tỉnh, bản tin nội bộ của cấp huyện, Tập san của Hội Khuyến học tỉnh, tổ chức tập huấn cho cán bộ khuyến học các cấp, tuyên truyền miệng,… Hội Khuyến học các cấp đã phát huy được vai trò nòng cốt trong vận động các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp phối hợp thực hiện chương trình khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Các tổ chức chính trị - xã hội đã ký kết chương trình phối hợp công tác khuyến học và tích cực, chủ động tham gia vào công tác khuyến học. Điển hình như: Tỉnh đoàn đã vận động xây dựng và phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, được Hội Doanh nghiệp trẻ và nhiều cơ quan, đơn vị hưởng ứng, đã tổ chức trao giải thưởng cho học sinh, sinh viên trong chương trình "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam"; Mặt trận Tổ quốc đã hướng dẫn cơ sở gắn Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"| với phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, phối hợp vận động rộng rãi các lực lượng xã hội tham gia xây dựng quỹ khuyến học và hỗ trợ cơ sở vật chất cho Trung tâm học tập cộng đồng; Liên đoàn lao động tỉnh đã chỉ đạo đưa nội dung công tác khuyến học thành một trong những nội dung công tác thường xuyên, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực học tập nâng cao trình độ, đồng thời ủng hộ một ngày lương tham gia quỹ khuyến học; Hội phụ nữ các cấp vận động hội viên tích cực tham gia công tác khuyến học ngay từ trong gia đình đến địa bàn dân cư cũng như trong cơ quan, đơn vị; Hội Nông dân vận động bà con tham gia học tập tại các Trung tâm học tập cộng đồng theo các chuyên đề phù hợp; Hội Cựu giáo chức tiếp tục vận động cán bộ, giáo viên đã nghỉ hưu tham gia tích cực công tác khuyến học, động viên các gia đình giáo viên gương mẫu xây dựng gia đình hiếu học,…
Việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Hội được các cấp quan tâm. Nhiều huyện đã mở lớp bồi dưỡng cán bộ làm công tác khuyến học ngay tại cơ sở để thu hút đông đảo cán bộ chi hội xóm, bản dự tập huấn. Xu hướng phát triển Quỹ Khuyến học theo phương châm xã hội hóa được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội, Tỉnh Hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị thi đua khuyến học của tỉnh và hướng dẫn các hội cấp huyện tổ chức hội nghị thi đua. Các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong phong trào khuyến học sẽ được biểu dương, khen thưởng và cử đi dự Đại hội thi đua Khuyến học toàn quốc nhân dịp kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt
Có thể khẳng định, nhận thức về công tác khuyến học của các cấp, các ngành cũng như người dân đã được nâng lên. Hoạt động khuyến học trên địa bàn tỉnh đã trở thành phong trào thi đua trong mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên khí thế mới trong công tác khuyến học.