Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, vấn đề được đông đảo các đại biểu quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến là việc giải ngân các nguồn vốn xây dựng cơ bản của tỉnh rất chậm, trong đó có nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Tổng kinh phí các chương trình mục tiêu Quốc gia về Giáo dục&Đào tạo (GD&ĐT) năm 2009 được tỉnh giao là 63.180 triệu đồng, trong đó vốn cho các Chương trình mục tiêu Quốc gia về GD&ĐT là 52.800 triệu đồng. Trong số 52.800 triệu đồng, UBND tỉnh đã giao cho UBND các huyện, thành, thị quản lý 9.190 triệu đồng (hỗ trợ xây dựng trường chuẩn Quốc gia và thực hiện phổ cập giáo dục); giao cho một số đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT trực tiếp làm chủ đầu tư 5.150 triệu đồng.
Như vậy, Sở GD&ĐT trực tiếp quản lý 38.460 triệu đồng. Tính đến ngày 20/7/2009, nguồn vốn do Sở GD&ĐT quản lý đã giải ngân được trên 9,95 tỷ đồng, bằng 25,9% kế hoạch năm. Tiến độ giải ngân như trên là chậm so với kế hoạch đề ra. Vậy nguyên nhân do đâu?
Được biết, trong số 9,95 tỷ đồng đã giải ngân gồm dự án xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng một số trường điểm (gần 7,4 tỷ đồng) và hỗ trợ giáo dục miền núi, dân tộc khó khăn (trên 2,55 tỷ đồng). Số chưa giải ngân được chủ yếu thuộc lĩnh vực hỗ trợ giáo dục miền núi dân tộc khó khăn, dự án xây dựng cơ sở vật chất trường học, xây dựng một số trường điểm, dự án đổi mới chương trình sách giáo khoa, đào tạo bồi dưỡng giáo viên… Theo đồng chí Phạm Ngọc Tuyến, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD&ĐT: "Việc giải ngân chậm nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia về GD&ĐT có nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân khách quan là các thủ tục đầu tư xây dựng gồm rất nhiều công đoạn, văn bản.
Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh về việc giao kế hoạch vốn, chủ đầu tư (là Sở GD& ĐT) phải thuê tư vấn lập báo cáo khảo sát kỹ thuật. Sau khi hoàn chỉnh công đoạn này, tư vấn thiết kế mới trình chủ đầu tư. Như vậy, quý I chỉ tập trung vào việc việc lập các báo cáo khảo sát kỹ thuật xây dựng. Quý II, chủ đầu tư hoàn chỉnh các văn bản trình tiếp lên các ngành chức năng (Sở Kế hoạch-Đầu tư) thẩm định. Trong quá trình thẩm định lại tiếp tục có sự bổ sung thêm các loại thủ tục khác còn thiếu để hoàn chỉnh hồ sơ. Sau khi thẩm định xong, Sở Kế hoạch - Đầu tư mới trình UBND tỉnh phê duyệt rồi đấu thầu. Chỉ riêng quy trình đấu thầu rộng rãi đã mất gần 50 ngày. Vì thế, ngoài các dự án thuộc lĩnh vực mua sắm thiết bị, tập huấn bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên thủ tục đơn giản hơn được triển khai thực hiện trong quý III, thì để giải ngân nguồn vốn xây dựng các công trình phải đến đầu quý IV mới thực hiện được.
Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan là trong quá trình chủ đầu tư trình các ngành chức năng về cho phép lập các báo cáo kinh tế kỹ thuật, việc hướng dẫn của các sở chức năng với chủ đầu tư không đầy đủ, nên lúc thường thiếu một số văn bản giấy tờ thủ tục, do vậy dẫn tới sự chậm chễ trong quá trình thẩm định, phê duyệt. Mặt khác, chủ đầu tư khi lập dự án đầu tư xây dựng do tính toán chưa hết nhu cầu cần thiết, đặc biệt là khi sử dụng nảy sinh những bất cập vì tính thiếu đồng bộ, vì thế lại tiếp tục thuê các cơ quan tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật để thiết kế dự toán bổ sung một số hạng mục công trình... Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm".
Bên cạnh việc giải ngân nguồn vốn chương trình mục tiêu do Sở GD&ĐT quản lý chậm, thì trên 5,1 tỷ đồng do các đơn vị trực thuộc Sở trực tiếp thực hiện cũng chưa giải ngân được mặc dù có công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư chưa lập khối lượng đề nghị thanh toán, vì thế chủ đầu tư không lập được kế hoạch đưa ra kho bạc để thanh toán. Còn đối với nguồn vốn trên 9 tỷ đồng giao cho UBND các huyện, thành, thị quản lý hỗ trợ xây dựng trường chuẩn Quốc gia và phổ cập giáo dục, mặc dù Sở GD&ĐT đã có văn bản đề nghị báo cáo tiến độ thực hiện nhưng đến thời điểm này chưa có địa phương nào gửi báo cáo(?!)
Như vậy, tính đến thời điểm này, nguồn vốn mục tiêu chương trình Quốc gia về GD&ĐT do Sở GD&ĐT quản lý cần phải giải ngân từ nay tới cuối năm là trên 28 tỷ đồng. Trong số này có 2 dự án là đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên 1,4 tỷ đồng được triển khai trong tháng 8 tới. Tiếp đến là dự án tin học các nhà trường với nguồn vốn 3,2 tỷ đồng đang trình kế hoạch đấu thầu, dự kiến trong năm học mới 2009-2010 sẽ hoàn thành. Với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản phần lớn đang nằm tại Sở Kế hoạch - Đầu tư chờ thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt chủ đầu tư xây dựng.
Theo khẳng định của đồng chí Phạm Ngọc Tuyến: "Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Sở sẽ nhanh chóng tiến hành triển khai các dự án. Chậm nhất đầu quý IV năm nay sẽ giải ngân 100% các nguồn vốn còn lại". Việc giải ngân chậm các nguồn vốn có lẽ là căn bệnh trầm kha mà kỳ họp HĐND tỉnh lần nào cũng đề cập trong các báo cáo cũng như ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thiết nghĩ, để có nguồn vốn đầu tư đã rất khó khăn, nên khi có nguồn lực thì các ngành, địa phương được giao làm chủ đầu tư cần nhanh chóng tiến hành các thủ tục cần thiết để triển khai theo đúng trình tự. Với các cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc UBND tỉnh trong việc thẩm định các dự án cần hướng dẫn chủ đầu tư đầy đủ các thủ tục, đồng thời nhanh chóng thẩm định dự án báo cáo trình UBND tỉnh phê duyệt. Có như vậy việc giải ngân các công trình mới đảm bảo tiến độ. Qua đó hiệu quả dự án được nâng lên.