Đại học Việt Nam chưa sẵn sàng để cạnh tranh

09:23, 12/08/2009

Các trường ĐH công ở VN không quan tâm đến thương hiệu vì không cần thiết, do số người muốn vào học cao hơn nhiều so với chỗ học

 

“Tại Việt Nam, thương hiệu ĐH chưa được các trường quan tâm đúng mức. Nhiều trường, đặc biệt là các trường có truyền thống lâu đời với ảo tưởng về danh tiếng của mình, đang hùng hồn tuyên bố sẽ phấn đấu đạt trình độ khu vực hoặc thế giới, mặc dù chưa bao giờ tìm hiểu hình ảnh và vị thế thực sự của mình”. TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng ĐH Quốc gia TPHCM, đánh giá như vậy tại hội thảo quốc tế “Xây dựng thương hiệu trong giáo dục ĐH: Kinh nghiệm thực tiễn trong bối cảnh toàn cầu hóa” do Bộ GD-ĐT, Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam và Trường ĐH Nha Trang tổ chức trong hai ngày 10 và 11-8.

 

Không biết mình là ai

 

Trong khi các trường ĐH trên thế giới đang chạy đua để quảng bá thương hiệu, hầu hết các trường ĐH Việt Nam chưa bắt đầu xây dựng thương hiệu hoặc làm không bài bản. Để chứng minh, TS Vũ Thị Phương Anh đưa ra ví dụ: Chỉ cần gõ cụm từ “university brand building” (xây dựng thương hiệu ĐH) vào công cụ tìm kiếm Google, sẽ nhận được kết quả xấp xỉ 2 triệu đường dẫn có thể vào các trang web nêu kế hoạch phát triển thương hiệu của các trường ĐH, trong đó có nhiều trường mà thương hiệu đã được khẳng định. Khi gõ cụm từ trên bằng tiếng Việt, kết quả tìm kiếm cho số lượng đường dẫn cao gấp đôi, nhưng chỉ dẫn đến các các diễn đàn hoặc trang web truyền thông, hoàn toàn không có bất kỳ thông tin gì từ các trường ĐH về chiến lược thương hiệu.

 

Điều đáng lo ngại là hiện nay chưa có nghiên cứu nào được tiến hành tìm hiểu đến danh tiếng, tức hình ảnh thương hiệu của các trường ĐH Việt Nam trong cảm nhận của sinh viên, nhà tuyển dụng, xã hội... Vị thế của các trường vẫn được nhìn nhận chủ yếu qua các số liệu tuyển sinh như số thí sinh đăng ký dự thi, điểm chuẩn, tỉ lệ chọi...

 

Trong điều kiện học phí tại trường công lập như hiện nay, có thể hiểu tại sao các trường ĐH công của Việt Nam không quan tâm đến thương hiệu vì điều này hoàn toàn không cần thiết: số người muốn học luôn cao hơn nhiều so với số chỗ học, tỉ lệ chọi và điểm chuẩn của trường công lập luôn cao hơn trường tư hoặc các chương trình hợp tác với nước ngoài.

 

Nhiều ý kiến cho rằng việc không chú trọng xây dựng thương hiệu là hệ quả của quan điểm bao cấp và tình trạng thiếu cạnh tranh do cầu vượt xa cung, cả hai điều này đã tồn tại quá lâu trong giáo dục ĐH tại Việt Nam.

 

Chảy máu chất xám

 

Trong khi đó, theo TS Gary W. Matkin, Viện ĐH California, Mỹ, sự cạnh tranh giữa các trường quốc tế ngày càng cao vì mỗi cơ sở giáo dục đều cố gắng thu hút sinh viên và giảng viên ưu tú nhất, từ đó cũng thu hút các nguồn tài chính hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học... Trả lời câu hỏi của các trường ĐH Việt Nam về kinh nghiệm quảng bá hình ảnh của trường, TS Richard Gilbert, ĐH Khoa học Y, Mỹ, cho rằng cách tốt nhất là thông qua sinh viên đã tốt nghiệp. Thông qua các sinh viên này sẽ giúp quảng bá hình ảnh của trường ra cộng đồng.

 

Tuy nhiên, một thực tế không thể chối cãi là ngày càng nhiều học sinh xuất sắc từ các trường trung học tốt nhất của Việt Nam xem du học là ưu tiên hàng đầu, khiến các trường danh tiếng nhất của Việt Nam đang cạn dần nguồn tuyển. Thậm chí nhiều thí sinh đỗ thủ khoa đã sẵn sàng bỏ mọi ưu đãi để nhận học bổng đi du học. TS Vũ Thị Phương Anh đặt vấn đề: “Phải chăng đây mới là những chỉ báo thực về “sức mạnh” của thương hiệu ĐH Việt Nam? Đã đến lúc các trường ĐH Việt Nam bắt đầu quan tâm đến thương hiệu để không phải bị thua trên chính sân mình”.

 

Ngoài ra, GS-TS David S. Wood, Hiệu trưởng Trường Nhân văn - Viện ĐH Công nghệ Curtin, Úc, còn cảnh báo khía cạnh tiêu cực của các chương trình học bổng. GS-TS David S. Wood nhận định: Thời gian gần đây, Việt Nam đã tập trung nâng cao trình độ, bằng cấp của đội ngũ trí thức bằng các chương trình học bổng do các trường ĐH trên thế giới tài trợ. Tuy nhiên, nhiều quốc gia nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, họ có chế độ nhập cư ưu đãi, dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám.