Vì sao chất lượng dạy học bổ túc ở trường cao đẳng, trung học dạy nghề thấp?

15:53, 31/08/2009

Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT năm học 2008-2009 khiến nhiều người cảm thấy “sốc” bởi tỷ lệ tốt nghiệp hệ này ở nhiều trường cao đẳng, trung  học dạy nghề (CĐ, THDN) quá thấp.

 

Trong 9 trường CĐ, THDN có dạy hệ bổ túc, Trường có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất là CĐ Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc đạt trên 55%, còn lại có tới 4 trường tỷ lệ tốt nghiệp đạt dưới 5,55% như: Trường CĐ nghề Việt Bắc - TKV có 6/108 thí sinh đỗ tốt nghiệp (bằng 5,55%); Trường CĐ Công nghiệp Thái Nguyên 6/169 thí sinh đỗ tốt nghiệp (bằng 3,55%); Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật 3/86 thí sinh đỗ tốt nghiệp (bằng 3,48%), cá biệt như Trường CĐ nghề Cơ điện Luyện kim chỉ có 2 trong số 124 thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp, bằng 1,61%.

 

Vì sao kết quả thi tốt nghiệp bổ túc THPT của khối các trường này lại thấp như vậy? Với 30 trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay thu hút được khoảng 70% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10. Số còn lại do điểm thấp (điểm thi liệt) không đạt điểm chuẩn vào học tại các trường THPT nên các bậc phụ huynh tìm hướng khác cho con em mình trong con đường học tập. Nhiều gia đình cho con đi học bổ túc văn hóa (BTVH) tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc đi học nghề tại các trường CĐ, THDN với hy vọng sau 3 năm học nghề ngoài tấm bằng nghề các em có thêm tấm bằng bổ túc THPT. Nếu không đi làm, các em có cơ hội tham gia kỳ thi đại học, cao đẳng. Vì thế, số học sinh đi học nghề khá đông.

 

Đối với các trường CĐ, THDN thì phần lớn là không có giáo viên chuyên dạy các môn văn hóa, nếu có cũng chỉ ở một số bộ môn. Để đảm nhiệm việc dạy văn hóa cho học sinh học nghề, hầu hết các trường phải thuê giáo viên của các trường THPT hoặc giáo viên đã nghỉ chế độ. Đơn cử như Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật là một ví dụ. Theo đồng chí Ngô Xuân Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Khoa học và Quan hệ Quốc tế: “Trường đào tạo hệ trung học nghề có 2 loại. Loại thứ nhất đào tạo 2 năm, đối tượng đầu vào là học sinh tốt nghiệp THPT hoặc đã học xong chương trình THPT nhưng chưa tốt nghiệp. Đối với số học sinh chưa tốt nghiệp, chúng tôi tổ chức cho ôn tập theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và giới thiệu các em này tới các điểm thi bổ túc văn hóa (BTVH) để thi tốt nghiệp. Loại thứ 2 là trung cấp nghề đào tạo 3 năm. Đối tượng học nghề 3 năm đầu vào là tốt nghiệp THCS. Do Nhà trường không có giáo viên dạy văn hóa, nên chúng tôi hợp đồng với các trường THPT trên địa bàn thành phố để giảng dạy cho các em. Năm đầu tiên các em học văn hóa hoàn toàn. 2 năm sau học văn hóa và học nghề. Trường chỉ có giáo viên chủ nhiệm quản lý về mặt quân số học sinh, còn chất lượng giảng dạy chỉ biết đặt niềm tin vào đơn vị mình thuê dạy”.

 

Đối với 2 trường Cao CĐ nghề Cơ điện Luyện kim CĐ nghề Việt Bắc - TKV khá hơn là có giáo viên dạy bổ túc ở một số bộ môn. Với Trường CĐ nghề Cơ điện Luyện kim có 8 giáo viên dạy văn hóa, Trường phải hợp đồng thuê thêm 3 giáo viên dạy các môn Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Còn Trường  CĐ nghề Việt Bắc - TKV thì phải thuê thêm 5 giáo viên dạy các môn Địa lý, Sinh học, Vật lý và Hóa học. Và ở các trường này thì mô hình giảng dạy như nhau. Đó là “học kép” tức là vừa học văn hóa vừa học nghề. Trở lại câu hỏi tại sao chất lượng học tập của học sinh học nghề, học hệ BTVH ở các trường này thấp như vậy? Trả lời câu hỏi này, đa phần lãnh đạo quản lý các trường đều cho rằng nguyên nhân do đầu vào các trường quá thấp.

 

Theo đồng chí Vũ Minh Tân, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Việt Bắc - TKV: “Số học sinh học nghề đều là đối tượng học quá kém không thể thi đỗ vào các trường THPT. Đã rỗng kiến thức nhưng ý thức học tập của các em này cũng lại rất kém. Bản thân các bậc phụ huynh cũng có tư tưởng gửi con vào đây học để có người quản lý hộ. Nhiều em đi học mà không có mục đích rõ ràng, vì thế lúc nào không thích học sẵn sàng bỏ giữa chừng”. Ngoài nguyên nhân từ phía học sinh, vậy yếu tố giáo viên được đánh giá ra sao? Theo đồng chí Trần Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện Luyện kim thì: “Tôi nghĩ với những giáo viên mà trường ký hợp đồng thuê dạy hệ BTVH thì không nhất thiết phải quản lý họ về mặt chuyên môn, vì họ đã là giáo viên họ tự ý thức được điều đó”.

 

Như vậy, theo đánh giá của các nhà quản lý các trường thì nguyên nhân chính dẫn chất lượng học BTVH thấp đều do từ phía học sinh. Nhưng qua tìm hiểu chúng tôi cho rằng không hẳn như vậy, bởi qua trao đổi cùng nhiều học sinh các em lại cho rằng: Ngoài ý thức học tập của nhiều học sinh không cao, còn có một phần do giáo viên giảng dạy chưa nhiệt tình. Một số giáo viên mang tư tưởng đi “đánh thuê” nên trong cách truyền đạt, giảng dạy chưa làm hết trách nhiệm của mình. Đó cũng là yếu tố làm cho chất lượng dạy và học thấp. Nhận xét của các em học sinh là hoàn toàn khách quan. Thực chất hiện nay đối với những giáo viên ký hơp đồng thuê dạy, các nhà trường cũng chỉ biết tin tưởng vào sự nhiệt huyết của họ với công việc chứ không thể kiểm tra, đánh giá được chất lượng giảng dạy! Bởi phần lớn giáo viên đang dạy cho các trường này, thì họ cũng phải đảm nhiệm công việc chính là dạy học tại đơn vị mình đang công tác, vì thế, đòi hỏi họ tận tâm, tận lực, sớm tối vì học sinh là khó.

 

Như vậy, có thể đánh giá kết quả dạy và học BTVH ở các trường CĐ, THDN thấp nguyên nhân xuất phát từ 2 phía: người dạy và người học. Song thẳng thắn nhìn nhận thì còn có nguyên nhân cũng hết sức quan trọng đó là các nhà trường chưa thực sự quan tâm, đầu tư, quản lý, siết chặt loại hình đào tạo này. Vì thế, chất lượng đào tạo quá thấp, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, thương hiệu của chính các trường này.

 

Thiết nghĩ học sinh muốn trở thành những kỹ sư giỏi phải có trình độ văn hóa nhất định. Vì thế, trong những năm học tới, ngay từ khi nhập học, các nhà trường cần phải định hướng cho học sinh hiểu để có động cơ đúng đắn trong học tập, rèn luyện, phấn đấu. Bên cạnh đó, các trường CĐ, THDN cần quan tâm hơn nữa tới việc tổ chức loại hình đào tạo này để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đề ra. Muốn làm được điều đó, phải có cam kết về mặt thời gian giảng dạy, chất lượng đào tạo với các trường thuê dạy. Cũng như nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy và đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong quản lý lớp. Và chỉ khi nào bản thân người dạy và người học cùng chung một lý tưởng, mục đích thì chất lượng đào tạo mới thực sự nâng cao.