Học 2 buổi/ngày, tiến tới chấm dứt việc “đọc - chép”, thực hiện nghiêm “3 công khai”, “4 kiểm tra”, điều chỉnh mức học phí đại học… là những điểm mới trong năm học 2009-2010 mà Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ triển khai để thực hiện chủ đề năm học “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục”.
Chăm chút những bậc học đầu
Điểm nổi bật trong năm học này là Bộ Giáo dục-Đào tạo vận động trong ngành giáo dục, bắt đầu chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc - chép” ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Theo đó, mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tỉnh có 1 chương trình đổi mới phương pháp dạy học.
Bậc giáo dục mầm non sẽ thực hiện chương trình phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, tập trung chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số để trẻ vào học lớp 1 và triển khai đại trà chương trình giáo dục mầm non mới, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ...
Năm nay, ngành Giáo dục-Đào tạo sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt với các cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Giáo dục tiểu học sẽ đẩy mạnh tổ chức dạy học 2 buổi/ngày trong cả nước, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.
Các trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày, hiệu trưởng sẽ chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo các yếu tố giúp đỡ học sinh yếu vươn lên hoàn thành yêu cầu học tập, hoặc bồi dưỡng học sinh năng khiếu, dạy học các môn học tự chọn, tạo mọi điều kiện để học sinh hoàn thành bài tập ngay tại lớp.
Với những trường ở vùng khó khăn, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày không thêm nội dung dạy học, chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho học sinh đạt được chuẩn kiến thức, kĩ năng. Đặc biệt, đảm bảo không tổ chức dạy học quá 7 tiết/ngày.
Bậc tiểu học tiến hành thực hiện dạy học ngoại ngữ tự chọn từ lớp 3, thời lượng 2 tiết/tuần theo chương trình của Bộ và không tổ chức dạy học trước và thi tuyển vào lớp 1.
Tăng cường “Quyền trẻ em” ở bậc trung học
Đối với giáo dục trung học, Bộ lưu ý các cơ quan quản lý giáo dục và các trường không tự đặt ra các kỳ thi, thi thử ngoài quy định của Bộ. Các cơ sở giáo dục thực hiện 3 công khai để người học và xã hội giám sát, đánh giá công khai chất lượng đào tạo, công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, công khai thu, chi tài chính.
Thực hiện 4 kiểm tra: Kiểm tra việc phân bổ và sử dụng ngân sách giáo dục đào tạo, kiểm tra việc thu và sử dụng học phí trong các nhà trường, kiểm tra việc sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức cho nhà trường, kiểm tra việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
Theo hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học năm học này, các trường phổ thông sẽ đưa nội dung giáo dục về Công ước Quyền trẻ em của Liên hợp quốc vào thực hiện ở lớp 9, lớp 10. Theo đó, đối với các môn khoa học xã hội, cần khắc phục tình trạng thiên về kiểm tra đánh giá ghi nhớ kiến thức, tăng cường ra đề "mở" nhằm kiểm tra mức độ thông hiểu và vận dụng sáng tạo kiến thức để giải quyết vấn đề và tạo cơ hội cho học sinh biểu đạt chính kiến của bản thân khi làm bài.
Đối với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên, cần phát triển kỹ năng tư duy logic, kỹ năng thực hành, thói quen vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tiễn.
Điều chỉnh học phí đi đôi với chính sách miễn giảm, tín dụng
Trong năm học này sẽ áp dụng mức học phí mới cho các trường đại học-cao đẳng công lập. Ngoài việc điều chỉnh học phí, Bộ cũng sẽ đề nghị phê duyệt phương án học phí của các chương trình đào tạo chất lượng cao, điều chỉnh mức tín dụng đối với sinh viên, sửa đổi chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm…
Bộ yêu cầu các trường và các cơ quan liên quan thực hiện công bố công khai và thực hiện tốt các chính sách miễn giảm học phí, chính sách tín dụng sinh viên nhằm đảm bảo sinh viên thuộc diện chính sách, sinh viên nghèo có khả năng học tập đều được đi học.
Đặc biệt, Bộ Giáo dục-Đào tạo không được thu những khoản phí, lệ phí khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Năm học này có thể nói là năm học khởi đầu cho quá trình đổi mới về quản lý giáo dục. Ngành giáo dục-đào tạo sẽ đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục đồng thời tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm tra, đánh giá của các cơ sở giáo dục.