Càng trường chuyên lớp chọn, tỷ lệ cận thị càng cao

08:07, 13/11/2009

BS Trịnh Thị Bích Ngọc, PGĐ Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, kết quả điều tra tật khúc xạ ở học sinh (HS) Hà Nội năm 2009 cho thấy  tỷ lệ học sinh có tật khúc xạ chiếm 32,42%, đang tăng dần theo cấp học và càng ở các trường chuyên, lớp chọn, tỷ lệ các em bị cận thị càng cao

 

Những thông tin trên được nêu lên tại Hội thảo  về cận thị và cong vẹo cột sống ở học sinh trong trường tiểu học diễn ra ngày 11/11 tại Hà Nội. PGS. TS Đỗ Như Hơn, GĐ Viện Mắt TƯ đưa ra những con số thể hiện sự tăng vọt về tỷ lệ HS mắc các tật khúc xạ trong hơn 40 năm qua, kể từ năm 1964 đến 2005 đã tăng gấp  gần 9 lần.

 

"Hiện số trẻ em suy giảm thị lực do tật khúc xạ cần quan tâm trên cả nước vào khoảng 2,5 triệu trẻ. Các tật về khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng chính là căn bệnh của xã hội văn minh khi ngày càng có nhiều em mắc phải. Diễn biến của các bệnh này đã ở mức trầm trọng,  tuy nhiên vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ của ngay cả cha mẹ học sinh, thầy cô giáo trong nhà trường và toàn xã hội. Số HS được cấp phát kính có nơi mới chỉ chiếm 3 -4%, đó là chưa kể có nơi còn 40-50% các em bị cấp kính sai" - TS Hơn nhận định.

 

Nhằm đánh giá thực trạng tật khúc xạ của HS phổ thông Hà Nội và đề xuất các biện pháp phòng chống tật khúc xạ học đường, Sở Y tế, Sở GD-ĐT cùng UBND các quận huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã vừa phối hợp thực hiện điều tra ngẫu nhiên với học sinh của 12 trường học các cấp, cả ở khu vực Hà Nội và Hà Tây cũ

 

Kết quả có hơn 16.024 HS được khám, trong đó 5.195 HS có tật khúc xạ (chiếm 32,42%), trong đó 4.838 HS bị cận thị (30,19%). Tỷ lệ này tăng dần theo cấp học, trong đó HS PTTH chiếm tới 50% và ở khu vực Hà Nội cao hơn hẳn Hà Tây cũ. Điều đáng nói là càng ở các trường chuyên, lớp chọn, tỷ lệ các em bị cận thị càng cao

 

Kết quả điều tra cũng cho thấy 100% trường không có sự phân loại bàn, ghế riêng cho từng khối học theo tiêu chuẩn quy định và 41,7% trường có phòng không đạt theo quy định về yêu cầu chiếu sáng

 

 Một trong những kiến nghị mà BS Ngọc đưa ra  là các trường cần có cán bộ y tế chuyên trách, được tập huấn kiến thức chuyên môn về y tế học đường; Định kỳ khám mắt cho học sinh 1 – 2 lần/ năm học. Đảm bảo 100% học sinh được thử thị lực khi khám mắt. Ngoài ra, cán bộ y tế, giáo viên thường xuyên uốn nắn tư thế ngồi học, quản lý thời gian học tập của HS.

 

 BS Lê Thị Thanh Xuyên, Chủ nhiệm chương trình mắt học đường TP.Hồ Chí Minh lại đưa ra thông tin về một nghiên cứu đã được thực hiện về thái độ, hiểu biết của cha mẹ học sinh về các tật khúc xạ. Điều đáng ngạc nhiên là chính sự hiểu biết của phụ huynh HS về các căn bệnh này còn rất thấp, thậm chí nhiều người còn không hiểu biết, chủ quan về căn bệnh.

 

 Để hạn chế số HS mắc các tật khúc xạ do tư thế ngồi học sai, Đoàn thanh niên BV Mắt TƯ phối hợp với Công ty Cổ phần giáo dục Vĩnh Khang triển khai thí điểm lắp đặt thiết bị chống cận thị và cong vẹo cột sống (giá chống cận Ali) tại Trường tiểu học Hoàng Diệu và Kim Liên. Kết quả sau gần 1 năm thực hiện cho thấy thị lực của các em khá lên nhiều so với những năm trước. Tại những lớp học không lắp thiết bị này, số HS bị cận thị đều tăng đáng kể.

 

Đại diện của các trường, các Sở và Bộ GD-ĐT dự hội thảo đã đánh giá cao về hiệu quả của giá chống cận Ali, đã giúp HS tạo thói quen ngồi học đúng cách, từ đó chống hình thành bệnh cận thị và cong vẹo cột sống. Với thiết kế bền chắc, đơn giản nhưng an toàn, hữu ích, có thể thay đổi được chiều cao, dễ dàng lắp đặt được vào nhiều  loại bàn và xếp lại gọn gàng khi không sử dụng, Ali đang được chính các HS tin dùng như một người bạn, giúp các em giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là đôi mắt sáng.