Đợt phong Giáo sư, Phó Giáo sư lớn nhất

10:10, 21/11/2009

Sáng nay (20/11), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước đã trao giấy chứng nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư cho hơn 700 nhà giáo. Trong đó có 65 GS và 641 PGS.

 

Đây là đợt xét dồn của cả hai năm 2008 và 2009, vì vậy số hồ sơ của ứng viên nhiều hơn những đợt xét trước. Tổng cộng có 1.167 hồ sơ, trong đó có 164 hồ sơ xin xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 1.003 hồ sơ xin xét đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.

 

Ngành Y dẫn đầu về số lượng giảng viên được công nhận GS với 16 người, tiếp đến là: Thuỷ lợi (6), Nông nghiệp (5), Kinh tế (4), Luật học (4).

 

Y cũng là ngành có nhiều người được Phó GS nhất với 132 người, tiếp đến là: Kinh tế (82), Hoá học – Công nghệ thực phẩm (29), Khoa học An ninh (28), Vật lý (23)…

 

Ngành Tin học chiếm tỷ lệ ít nhất, chỉ với 9 người được nhận hàm PGS và không có nhà giáo nào được phong GS.

 

Trong số những nhà giáo được phong hàm Giáo sư năm nay, người trẻ nhất là GS Võ Văn Hoàng, 45 tuổi, ngành Vật lý, hiện là giảng viên khoa vật lý Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) và người lớn tuổi nhất là GS Lê Hồng Kế, 69 tuổi, ngành Kiến trúc, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

 

Người trẻ nhất được phong hàm Phó Giáo sư là Bùi Thế Duy, 31 tuổi, ngành Tin học, trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội. Phó Giáo sư cao tuổi nhất là Lương Kim Chung, chuyên ngành Thể dục thể thao, 71 tuổi.

 

Năm nay, tuổi PGS, GS đã được trẻ hoá hơn nhiều so với những năm trước. Đặc biệt, có 3 GS, PGS đã được bổ nhiệm tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài (Mỹ và Nhật Bản) nộp hồ sơ để được xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

 

Đó là các nhà giáo Vũ Hà Văn, 39 tuổi, được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Toán học ở ĐH Rutgers, Mỹ và nhà giáo Thái Duy Bảo, 48 tuổi, đã được bổ nhiệm chức danh PGS ngành Ngôn ngữ ở ĐH Nagoya, Nhật Bản cũng đăng ký xin xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của Việt Nam. Ngoài ra, còn có nhà giáo, bác sĩ Trần Hải Anh, 39 tuổi, đã được bổ nhiệm Phó Giáo sư ngành Y học ở ĐH Toyama của Nhật Bản đã đăng ký để được xét bổ nhiệm chức danh PGS ở Học viện Quân y của Việt Nam.

 

Phát biểu tại buổi lễ, GS-TS. Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS Nhà nước khẳng định, các Giáo sư, Phó Giáo sư là tinh hoa trí tuệ, tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong sự nghiệp giáo dục nói riêng, các Giáo sư, Phó Giáo sư còn có trọng trách đào tạo các nhà khoa học cho đất nước.

 

Cũng theo Phó Thủ tướng, từ năm 1980 đến nay tổng cộng đã phong, công nhận 1.336 GS và 7.062 PGS.

 

GS-TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS Nhà nước cho biết, 65 GS và 641 PGS sư được Nhà nước công nhận năm nay là những nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc được lựa chọn từ 85 Hội đồng cơ sở và 25 Hội đồng ngành và liên ngành theo một trình tự chặt chẽ được công khai, minh bạch.

 

Trong 65 Giáo sư được phong tặng, có 57 GS thuộc biên chế của các trường học và các học viện, 8 GS thuộc viện nghiên cứu. Trong 641 Phó Giáo sư được phong tặng thì có 572 PGS thuộc biên chế của các trường đại học, học viện.

 

Tiêu chuẩn và điều kiện công nhận chức danh GS, Phó GS gồm: có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo, trung thực, khách quan, có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và khách quan trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ; có bằng tiến sĩ từ đủ 3 năm trở lên kể từ ngày cấp bằng; có đủ số công trình khoa học theo quy định của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước; sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh.

 

Ngoài ra, Phó GS phải có ít nhất 6 thâm niên đào tạo ĐH hoặc sau ĐH, trong đó 3 năm cuối tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký xét chức danh Phó GS đang làm nhiệm vụ giáo dục; hướng dẫn chính ít nhất 2 học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; chủ trì ít nhất 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

 

Chức danh GS còn phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn: đã được bổ nhiệm PGS từ 3 năm trở lên; hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; biên soạn sách sử dụng trong đào tạo từ trình độ đại học trở lên và chủ trì ít nhất 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.