Làm gia sư, nuôi sự học

09:59, 27/11/2009

Trong cơ chế thị trường, sinh viên nghèo có nhiều cách để kiếm sống, như: Làm nhân viên phục vụ trong nhà hàng; bốc vác, đóng than tổ ong bán… nhưng có lẽ làm gia sư , giúp các bé em chăm học, ngoan ngoãn hơn, chắc chắn sẽ là nghề phù hợp hơn với nhiều sinh viên đang ngồi trên ghế của giảng đường đại học.

 

Năm 2003, Phạm Thanh Cường, T.P Bắc Giang thi đỗ vào Trường Đại học Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Nhưng vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, Cường bảo mẹ: Cho con đi làm công nhân.Nghe con nói vậy, người mẹ mắng: Làm đàn ông, sợ khổ thì suốt đời lam lũ với chân lấm tay bùn. Con phải đi học, học để làm một người tốt. Cường xách túi về Thái Nguyên, nhập học, lòng nặng trĩu vì thương mẹ cực nhọc.

 

Ngay sau khi nhập học ổn định, Phạm Thanh Cường đã tìm đến đến các trung tâm gia sư ở T.P Thái Nguyên đăng ký đi dạy học. Lúc đó, chủ yếu đi bộ, có hôm đến được nhà học sinh để dạy kèm, anh phải đi bộ mất nửa giờ. Nhưng vì thương mẹ nghèo, nhà xa, anh tự động viên mình: Làm gia sư cũng là cách rèn luyện, nâng cao kiến thức và có thêm thu nhập.

 

Bằng sự cần cù, sáng tạo trong phương pháp dạy kèm, nhiều học sinh ham chơi, học lực kém đã được anh chỉ bảo, trở thành học trò ngoan. Đây cũng chính là một trong những lý do các bậc phụ huynh tự tìm đến với anh để gửi gắm con, cháu. Nhờ đó, đến học phần thứ 2 của năm đầu đại học, anh không phải nhận "viện trợ" tiền của mẹ từ quê gửi ra. Anh tâm sự: Trong thời gian đi làm gia sư, tôi đã gặp một số bạn sinh viên (SV) nghèo khác đi dạy kèm như mình. Để có mối làm gia sư, tôi cũng như các bạn SV đều phải nhờ qua sự giới thiệu của một trung tâm nào đó, với mức lệ phí từ 40 đến 50% của tháng thu nhập đầu tiên, thậm chí phải đóng trước lệ phí bẳng nửa tháng thu nhập theo hợp đồng thì mới được đi dạy kèm. Song, công việc làm gia sư không phải lúc nào cũng trôi chảy. Có phụ huynh đến cuối tháng sinh sự bằng việc bắt lỗi gia sư, trừ bớt tiền công dạy kèm cho con của họ. Có phụ huynh lại mắng gia sư như… người ở trong nhà...

 

Chính từ nhận thức được những vất vả của nghề, nên anh tự đúc kết ra bài học: Làm gia sư cũng cần có thương hiệu. Thương hiệu là bằng chính kiến thức, kinh nghiệm dạy kèm và sự tận tuỵ với học trò. Đồng thời thông qua giờ dạy kèm, gia sư phải khơi gợi được ở học trò hứng thú học tập, và kết quả dạy - học được phụ huynh, thầy cô trong nhà trường đánh giá qua việc học sinh đó có tiến bộ trong học tập trên lớp. Do vậy, anh đã cố gắng hết mình, đã nhận hợp đồng với phụ huynh thì phải dồn tất cả những gì bản thân có thể để giúp cho con, em của họ từ học lực yếu kém lên học lực trung bình, và từ học lực trung bình lên học lực khá.

 

Để không phải qua trung gian,  từ năm học thứ 2 trong đại học, Phạm Thanh Cường đã cùng 4 SV Trường Đại học Công nghiệp thành lập Câu lạc bộ Gia sư, lấy tên "Vì ngày mai". Ngay từ những ngày đầu, Câu lạc bộ Vì ngày mai đã thu hút được nhiều SV tham gia đăng ký làm gia sư. Anh trực tiếp phụ trách Câu lạc bộ, đồng thời hằng ngày đi làm gia sư theo yêu cầu của phụ huynh. Có ngày anh đi dạy kèm tới 3 ca, nhưng không thể gọi là chạy sô, vì việc dạy học cho trẻ đòi hỏi phải có chất lượng, phụ huynh mới thuê dạy và trả tiền. Có tháng, anh thu được hơn 4 triệu đồng từ làm gia sư. Tiền có được, anh đầu tư mua sắm sách vở, tài liệu phục vụ học tập, chi phi ăn ở và gửi một phần về biếu mẹ.

 

Phạm Thanh Cường đã kiếm sống bằng công việc gia sư để nuôi sự học của mình. Hơn thế nữa, năm 2007, khi tốt nghiệp, anh được Nhà trường giữ lại làm giảng viên. Cuộc sống không phải bươn trải nhiều như những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, vì anh đã có lương, thưởng như những cán bộ, giảng viên khác trong trường đại học. Nhưng anh đã không ngồi yên, anh bảo: Tôi xuất thân từ nghèo khó, tôi muốn làm một việc gì đó để những SV nghèo có việc làm, kiếm được tiền từ một công việc có ích để nuôi trí học tập. Suy tính mãi, tôi quyết định thành lập Trung tâm gia sư Phạm Cường. Hằng ngày, tôi sắp xếp cho mình thời gian biểu riêng để vừa hoàn thành công việc của nhà trường giao, lại đáp ứng được nhu cầu của các bạn sinh viên có nguyện vọng làm gia sư. Với Trung tâm, có nhiều phụ huynh và học sinh đã trở lên gắn bó, như Chị Nguyễn thị Thu Hà, tổ 6, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) có con gái là Trần Thu Hiền, học sinh lớp 11A4, Trường THPT Lương Ngọc Quyến, gia sư của Trung tâm nhận dạy kèm môn Vật Lý; em Hà Nam Khánh, con con chị Vũ Thị Thu Thuỷ, tổ 10, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên), được gia sư của Trung tâm dạy kèm từ 4 năm nay. Hiện Khánh đang là học sinh  lớp 12, Trường THPT chuyên Thái Nguyên; em Nguyễn Văn Cường, con anh Nguyễn Văn Dũng, nhà ở Chợ Dốc Hanh, hiện đang học lớp 11A, trường THPT Chu Văn An cũng được gia sư của Trung tâm kèm cặp từ 2 năm nay. Điển hình như gia đình anh Lê Thanh Thực, tổ 10, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên). Hiện gia sư của Trung tâm đang dạy kèm anh Thực tiếng Anh giao tiếp và dạy kèm lớp 1 cho con anh Thực…

 

Qua câu chuyện với Phạm Thanh Cường chúng tôi còn được biết: Trung bình mỗi năm, anh đứng ra chắp mối cho khoảng gần 500 lượt gia sư đến dạy kèm tại nhà cho các em học sinh ở T.P Thái Nguyên. Nhiều gia sư có trình độ sau đại học, đại học và phần lớn là sinh viên nghèo cần tiền nuôi sự học của mình.