Nâng cao chất lượng bằng đổi mới phương pháp đào tạo

08:14, 12/11/2009

Là cái nôi đào tạo những người thầy thuốc cho các tỉnh miền núi phía Bắc, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) hằng năm có trên 6.600 sinh viên (SV) theo học tại 5 ngành đào tạo là Bác sĩ đa khoa; Bác sĩ Răng-Hàm-Mặt; Cử nhân Điều dưỡng; Dược sĩ Đại học và Bác sĩ Dự phòng, trong đó có hơn 5.600 SV hệ đại học và 1.000 SV hệ trung học.

 

Song do đặc điểm “đầu vào” có sự chênh lệch về kiến thức nền giữa SV các vùng, miền, bởi vậy trong đào tạo, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn chỉ đạo các phòng, khoa chức năng tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo cho sinh viên phát huy được khả năng tự học, tự nghiên cứu, để khi ra trường họ thật sự là những người thầy thuốc có năng lực phục vụ nhân dân.

 

Cũng như các trường đại học khác thuộc Đại học Thái Nguyên, năm học này Trường Đại học Y - Dược chuyển đổi từ hình thức đạo tạo niên chế sang hệ thống tín chỉ. Với Nhà trường, đây được coi là bước chuyển biến quan trọng, nhưng cũng nhiều thử thách lớn đối với cả người thầy và người học. Để “thích nghi” với phương pháp đào tạo mới, từ năm học 2008-2009, Nhà trường đã mời giảng viên ở một số trường đại học lớn từ Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh... lên hợp tác, mở được 6 lớp tập huấn nâng cao phương pháp, kỹ năng giảng dạy tích cực cho giáo viên; đồng thời, Nhà trường đã mở được lớp tín chỉ thí điểm gồm 2 ngành học Răng - Hàm - Mặt và Y học Dự phòng, gồm 77 sinh viên tham gia. Kết quả sau năm học có 75/77 sinh viên đạt yêu cầu, trong đó có 10 sinh viên đạt giỏi, chỉ có 2 sinh viên không đạt yêu cầu phải học lại, thi lại trong dịp hè.

 

Để đáp ứng về cơ sở vật chất phục vụ yêu cầu đào tạo theo hệ thống tín chỉ, thông qua Dự án đầu tư nâng cao năng lực của Bộ Giáo dục - Đào tạo, từ năm 2008 đến nay, Nhà trường được đầu từ thêm hệ thống máy huyết học, máy vi sinh và máy chẩn đoán hình ảnh để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập cho thầy và trò, với tổng trị giá trên 23 tỷ đồng. Cùng với đó, Nhà trường được Đại học Thái Nguyên đầu tư trên 800 triệu đồng cho 3 phòng máy vi tính với tổng số 100 máy, trong đó có 2 phòng, 60 máy vi tính phục vụ sinh viên thi trắc nghiệm; 1 phòng 40 máy vi tính đang chuẩn bị lắp đặt phục vụ cho SV tra cứu, khai thác tài liệu học tập trên mạng và đăng ký học tập qua mạng. Phòng thư viện Nhà trường cũng được đầu tư trên 100 triệu đồng mua bổ sung thêm các đầu sách. Phòng thí nghiệm được đầu tư hơn 500 triệu đồng mua bổ sung thêm các thiết bị, mô hình... Đây là một trong những điều kiện giúp SV có nhiều thuận lợi hơn khi đăng ký theo học hệ tín chỉ. Vì theo phương pháp đào tạo mới này, buộc mỗi SV phải dành nhiều thời gian hơn cho việc tự học, tự nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, phòng thư viện thì mới có kiến thức cơ bản để thảo luận trên lớp.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tư cho biết: Năm học 2009-2010 này, học kỳ I SV được xếp lịch học chung do Phòng Đào tạo sắp xếp. Sang học kỳ II, SV tất cả các khóa sẽ tự đăng ký môn học theo hệ thống tín chỉ. Nhưng vì thiếu giảng viên, nên Nhà trường phải tổ chức cho SV học 3 ca/ngày; đồng thời SV cũng không có điều kiện chọn thầy để đăng ký học như quy định... Thầy Tư còn cho biết thêm: Điểm khác biệt so với các Trường đại học khác, SV Đại học Y - Dược phải vừa học, vừa thực hành trong bệnh viện, nên không thể rút ngắn được thời gian của khóa học (5 năm với Đại học Dược và 6 năm với Đại học Y), nhưng trong thời gian theo học này, SV có thể tốt nghiệp được văn bằng 2. Hoặc vì lý do đặc biệt như sức khỏe, nhận thức, khả năng kinh tế, sinh viên có thể kéo dài thời gian học tập đến 9 năm, khi có đủ 150 tín chỉ với Đại học Dược; 200 tín chỉ với Đại học Y thì được cấp Bằng tốt nghiệp.