Cần 3 đòn bẩy cho giáo dục

09:29, 25/12/2009

Chất lượng giáo dục là vấn đề đang thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội. Tuy nhiên, cần những yếu tố gì để tạo sự đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vẫn là một bài toán khó…

 

Giáo dục phải bắt đầu từ tính trung thực

 

GS.VS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục khẳng định: Để giáo dục có chất lượng phải đảm bảo 3 yếu tố cấp thiết, tối thiểu trong 5 năm nữa phải làm được (không làm, nước nhà sẽ không thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại). Thứ nhất là đủ trường, lớp theo chuẩn cho con em đi học; Thứ 2 là đủ đội ngũ nhà giáo đúng chuẩn; Thứ 3 là, ổn định bộ chương trình, sách giáo khoa, học liệu (đến 2015 mới có cho phổ thông - tôi sợ dân ta phải chịu 6 năm nữa tình hình như hiện nay thì lâu quá!). Nếu không có 3 điều kiện đó thì không thể nói đến chất lượng được.

 

Thực tế, hiện nay cả 3 nội dung này đều đang có vấn đề. GS Minh Hạc kể: Cách đây vài tháng, GS có vào mấy tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng chí giám đốc sở một tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khá phát triển nói phải đến năm 2020 mới đủ trường, lớp cho các cháu đi học. Tỉnh thứ hai, giám đốc sở nói: “Chúng em may lắm thì có khoảng 60% trường lớp tử tế”. Còn ở ngay Hà Nội thì số trường lớp ở các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Mỹ Đức chắc chắn cũng không đủ.

 

GS. Phạm Minh Hạc cho rằng, lâu nay, các nhà trường thường kêu gọi giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm, nhưng một lớp mà có tới 60 - 70 học sinh như hiện nay thì không thể theo sát từng em được. Đội ngũ nhà giáo là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục thì hiện nay cũng đang lộn xộn, thừa môn nọ, thiếu môn kia. Yếu tố cuối cùng là chương trình - sách giáo khoa cũng cần đổi mới.

 

Thay đổi được ba nội dung này đồng nghĩa với việc chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên. Ngoài ra, phải bảo đảm các điều kiện để giáo viên có thể chủ động, sáng tạo trong giảng dạy. Nhưng các phương tiện bây giờ quá nghèo nàn thì làm sao thay đổi được? “Một vấn đề nữa tôi muốn nói là tất cả các phong trào đều phải dựa vào cơ sở vật chất, nếu không thì phong trào nào cũng chỉ là hình thức, không bao giờ phản ánh đúng sự thật”- GS. Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.

 

GS. Nguyễn Dương Ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu một thực tế là nhiều địa phương, nhiều tỉnh đã được chứng nhận phổ cập nhưng vẫn có hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp. Thực ra, không phải các cháu ngồi nhầm lớp mà các thầy cô giáo xếp nhầm lớp. Dù tốt nghiệp cấp 2 nhưng đọc không thông, viết không thạo, toán không làm được. Nhà tôi có một cô giúp việc người thành phố Lạng Sơn, học hết lớp 9 nhưng không thuộc bảng cửu chương, phép trừ, phép cộng đều không làm được. Đây là cái không thực và điều này không thể đổ tội cho riêng thầy cô giáo mà từ cấp quản lý trở lên. Giáo dục phải bắt đầu từ tính trung thực.

 

Giáo viên cũng bị… hổng

 

Về việc đào tạo đội ngũ nhà giáo kế cận, GS. Phạm Minh Hạc cho rằng, thực tế, nhiều trường sư phạm đã chuyển thành đa ngành để thu hút người học, thu thêm lợi nhuận. Mà trong những trường này, sư phạm đang là ngành chủ yếu thì chuyển thành lép vế hơn các ngành khác. Bên cạnh đó, các trường sư phạm phải có trường phổ thông sư phạm thực hành nhưng đến nay số trường duy trì mô hình này rất ít. Còn nội dung đào tạo với các giáo sinh thì hiện nay còn nhiều bất cập: Nặng về dạy lý thuyết, nhẹ về thực hành. Và có những điều nhà trường dạy không cẩn thận, hoặc dạy chiếu lệ cho xong nên có những kiến thức không vận dụng được. Ngoài ra, các trường còn chưa chú ý đến dạy đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên.

 

Còn về chất lượng giáo viên THPT, theo quan điểm của PGS.TS Đinh Xuân Khoa, trường ĐH Vinh: “Chương trình đào tạo trong trường THPT hiện nay còn thiếu tính mềm dẻo, chưa tạo cơ hội để phân hóa người học và phát huy năng lực tự học của học sinh do các trường chưa thực sự coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Cơ chế quản lý của ngành giáo dục đối với giáo viên THPT chưa sát sao, cụ thể dẫn đến buông lỏng quản lý”.

 

Để khắc phục được tình trạng này, ông Khoa cho rằng, cần đổi mới cơ chế quản lý các trường đại học đào tạo giáo viên. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho hay, hiện các trường sư phạm không đồng hành cùng các trường phổ thông. Nhiều trường vừa đào tạo sư phạm vừa đào tạo ngoài sư phạm nên dẫn đến tình trạng đào tạo sư phạm ít được chú ý, chỉ nặng lý thuyết, không có thực hành.

 

“Tuy chúng ta luôn khẳng định thầy giáo là quan trọng nhất, nhưng chính sách dành cho nhà giáo còn hạn chế. Mới đây, Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua, sẽ có phụ cấp thâm niên cho giáo viên lâu năm. Điều này thực sự có ý nghĩa và sẽ tác động mạnh đến những nhà giáo” - GS.VS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh.