Cần nêu cao vai trò người quản lý trong nhà trường

08:50, 10/12/2009

Dạy thêm học thêm (DTHT) thực chất là việc giáo viên hỗ trợ kiến thức cho học sinh, giúp các em học khá hơn. DTHT là một nhu cầu có thật của bộ phận không nhỏ học sinh và phụ huynh, đây là nhu cầu chính đáng nếu DTHT không bị lạm dụng. Tuy nhiên để chống việc DTHT tràn lan rất cần vai trò người quản lý trong nhà trường...

 

Bản chất việc DTHT không phải là xấu, ngoài lý do chủ quan từ phía GV, HS, phụ huynh là nguyên nhân bất khả kháng đó là: Chương trình học còn nặng, phương thức thi cử chưa sát với chương trình, áp lực học tập từ phía các gia đình với con em mình... dẫn tới hình thành tâm lý chung của các bậc phụ huynh là không thể không học thêm nếu muốn con em mình có kết quả học tập tốt. Theo chị Trần Thị Hà, phường Đồng Quang T.P Thái Nguyên: “Con trai tôi học lớp 3. Vợ chồng tôi cũng muốn dạy con học, nhưng gặp khó khăn trong quá trình dạy, nên tôi cho cháu đi học thêm”. Một GV (xin dấu tên) dạy lớp 4 Trường Tiểu học Nha Trang đã xác nhận: “Chương trình cấp I hiện nay nặng và chưa sát với thực tế. Nhiều em học không theo được các bạn trên lớp. Việc học thêm là cần thiết vì chương trình học cao hơn, lại vừa có sự thay đổi nên cha mẹ không thể dạy con theo đúng phương pháp. Nhưng cũng có bậc phụ huynh suy nghĩ nếu gửi con cho cô giáo thì con mình được xếp loại giỏi, nên cứ bắt con đi học thêm dù không cần thiết phải như vậy. Theo tôi về giải pháp lâu dài,  hiệu quả nhất là nâng tỷ lệ HS tiểu học, THCS học 2 buổi/ngày ở trên địa bàn toàn tỉnh. Kiên quyết chỉ đạo các nhà trường đối với HS học 2 buổi/ngày thì không giao thêm bài tập về nhà”.

 

Tại Thái Nguyên, địa bàn "nóng" về tình trạng DTHT là T.P Thái Nguyên. Các loại hình DTHT và nhu cầu học thêm ở đây  cũng rất đa dạng từ gia sư, rồi tổ chức các nhóm HS do phụ huynh đứng ra làm cho con em mình, đến việc học thêm tại các lò luyện thi, các cơ sở do GV tổ chức.... Trao đổi cùng chúng tôi về công tác quản lý DTHT, đồng chí Trần Thị Mỹ Quang, Phó trưởng Phòng Giáo dục Phổ thông (Sở GD&ĐT) cho rằng: “Từ đầu năm tới nay, Sở đã cấp 40 giấy phép dạy thêm cho các trường THPT và 11 tổ chức, cá nhân. Để kiểm tra việc DTHT thì phải tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh quyết định. Thế nhưng, nhiều năm qua, việc tổ chức kiểm tra về DTHT vẫn chưa thực hiện được”. Quả đúng là vậy, theo quy định Sở GD & ĐT cấp phép cho việc dạy thêm đối với các đơn vị trực thuộc. Việc chịu trách nhiệm của Sở GD&ĐT là đúng thẩm quyền, song có một thực tế là Sở GD & ĐT không thể đủ lực lượng, thời gian để đi thẩm tra hàng chục đơn vị, tổ chức, cá nhân về: nơi tổ chức dạy thêm, diện tích phòng học, bàn ghế, ánh sáng, mức thu, trình độ giáo viên... theo đúng quy định trước khi cấp phép. Mức thu theo quy định DTHT là: Cấp tiểu học không quá 7 nghìn đồng/HS/buổi; cấp THCS, THPT không quá 10 nghìn đồng/HS/buổi. Trên thực tế, mức thu cao hơn quy định rất nhiều, nhưng cũng do không thể kiểm tra, nên chưa có trường hợp nào bị xử lý vi phạm.

 

 Bộ GD & ĐT chỉ đạo rất rõ ràng: DTHT chỉ áp dụng đối với hai loại HS là: Một là HS học kém, hai là giỏi mới cần bồi dưỡng thêm. Đối với hai đối tượng này cũng chỉ cần bồi dưỡng có mức độ, từng thời điểm chứ không tràn lan quanh năm. Chỉ đạo là vậy, nhưng ở các nhà trường, GV thì vẫn chưa theo đúng tinh thần này. Thiết nghĩ, ngành GD&ĐT đã có cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, vì thế, bằng lương tâm của mình xã hội mong muốn các thầy cô làm hết trách nhiệm đối với HS khi lên lớp. Đối với các nhà trường cần quản lý chặt chẽ giờ dạy, có biện pháp kiểm tra về chuyên môn đối với GV. Có thể khẳng định khâu yếu nhất trong quản lý DTHT là ở cấp quản lý trực tiếp GV, vì không ai nắm rõ từng GV hơn hiệu trưởng. Hiệu trưởng là người có thể ghi nhận kịp thời, đầy đủ nhất những phản ánh của HS, phụ huynh. Chính vì thế, bên cạnh việc kêu gọi các GV làm hết lương tâm, trách nhiệm với nghề nghiệp thì cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục cơ sở, trực tiếp là hiệu trưởng các trường. Nếu để xảy ra GV tiêu cực trong DTHT, hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm. Có như vậy, việc quản lý DTHT mới hy vọng đi vào nền nếp, tránh tình trạng thương mại hoá việc dạy học.