Đại học Thái Nguyên: Làm tốt công tác quản lý học sinh, sinh viên

09:26, 07/12/2009

Để quản lý tốt, đồng thời cũng là điều kiện tạo thuận lợi cho HSSV yên tâm học tập,  những năm qua, Đại học Thái Nguyên đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác quản lý tạm trú, tạm vắng đối với học sinh, sinh viên.

 

Trong gian phòng trọ rộng chừng 15 m2, ở  tổ 39, phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên, sinh viên Vũ Đức Quân, K43, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) nói với chúng tôi như tâm sự: Quê em ở Lương Tài (Bắc Ninh). Trước khi lên đây trọ học, bố mẹ em lo nhất là an ninh, trật tự không bảo đảm, vì phải dò hỏi rất nhiều mới dám thuê cho em một phòng trọ như thế này. Để yên tâm, bố mẹ còn giao em cho chủ nhà trọ … quản lý thật chặt. Trước lúc về, "các cụ" dặn dò thêm đến hơn chục lần: Tuyệt đối không được giao lưu với các đối tượng xấu.

 

Ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng Ban Công tác học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc Đại học Thái Nguyên cho biết: Hiện nay có khoảng 34 nghìn HSSV ở ngoại trú đang theo học tại các khoa, trường của Đại học Thái Nguyên. Để quản lý tốt, đồng thời cũng là điều kiện tạo thuận lợi cho HSSV yên tâm học tập, Đại học Thái Nguyên đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác quản lý tạm trú, tạm vắng. Đặc biệt, ngày 28-8-2007, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1718/2007/QĐ-UBND về việc Ban hành quy chế quản lý HSSV ngoại trú. Quyết định này không chỉ triển khai tới các đơn vị thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên, mà còn triển khai sâu rộng đến các phường, xã, nơi có các hộ xây dựng nhà ở cho HSSV thuê trọ. Vì thế ngay từ tổ dân cư, các hộ tham gia kinh doanh nhà trọ và HSSV có nhu cầu ở trọ để học tập đều chấp hành nghiêm túc các nội quy, quy chế cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước.

 

Một nét mới trong công tác quản lý HSSV ngoại trú là từ năm học 2008-2009 đến nay, Đại học Thái Nguyên đã lập được sổ theo dõi kết quả học tập, rèn luyện của HSSV. Cuốn sổ này giao cho HSSV tự quản lý. Sau mỗi học phần, HSSV ngoại trú phải được chủ nhà cho thuê trọ, trưởng xóm hoặc tổ trưởng dân phố nơi trọ, công an phường, xã ký xác nhận vào sổ về việc bản thân đã chấp hành các quy định như thế nào. Căn cứ vào nhận xét đó, các khoa, trường có cơ sở đánh giá về điểm rèn luyện của từng HSSV.

 

Trao đổi với chúng tôi về công tác này, Trung tá Nguyễn Hữu Vịnh, Trưởng Công an phường Quang Trung cho biết: Trên địa bàn phường có hơn 400 hộ tham gia kinh doanh nhà trọ, với hơn 3.500 phòng cho HSSV thuê, chủ yếu là HSSV của Trường Đại học Y - Dược và Trường Đại học sư Phạm Thái Nguyên. Trong những năm qua, giữa lực lượng Công an, chính quyền địa phương và các trường đã có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý HSSV ngoại trú, như việc đăng ký tạm trú, tạm vắng, giữ gìn an ninh trật tự. Hằng tháng, cảnh sát khu vực cùng đại diện tổ dân phố đến các hộ kiểm tra, nhắc nhở các chủ nhà trọ và HSSV chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. Vì thế một số hiện tượng vi phạm nhỏ cũng được đơn vị chức năng nhắc nhở kịp thời. HSSV ngoại trú đều chấp hành nghiêm túc các quy định về ăn, ở, sinh hoạt do địa phương quy định…

 

Qua thực tế tại các khu nhà trọ của HSSV ở các phường Quang Trung, Đồng Quang, Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên)… chúng tôi thấy: Việc sinh hoạt, học tập của HSSV ngoại trú được các cấp, ngành, đơn vị chức năng phối hợp quản lý chặt chẽ, hạn chế được tình trạng HSSV ngoại trú sống thử, sống gấp, sống thiếu lành mạnh, qua đó HSSV yên tâm hơn trong học tập, rèn luyện.

 

Tôi xin kết thúc bài viết này bằng câu chuyện với ông Sùng Nhè Lừ, người dân tộc Mông ở Hà Giang. Con trai ông Lừ đang theo học năm thứ 2, Trường Đại học Y Dược, hiện trọ học tại phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên). Ông Lừ mộc mạc, nói: Tôi thấy yên tâm khi để con trai mình về T.P Thái Nguyên học tập, vì ngay từ phòng trọ, chủ nhà đã có các nội quy chặt chẽ như: Không uống rượu say; không ra ngoài quá 22 giờ; không sử dụng chất gây nghiện… Rồi ông gật gù tâm đắc: Còn hơn 4 năm nữa con trai của dòng họ Sùng Nhè tôi sẽ thành bác sĩ. Lâu đấy, nhưng tôi thấy yên tâm vì cháu ra ở ngoại trú, nơi ăn, ở, sinh hoạt khá thuận lợi, cháu nào có biểu hiện sống không lành mạnh, chủ nhà trọ có trách nhiệm nhắc nhở ngay, đồng thời thông báo rõ khuyết điểm của các cháu với phụ huynh bằng điện thoại. Qua đó, nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương có giải pháp kịp thời, giúp các cháu không bị trượt dài bởi các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội…

 

Rõ ràng, các khu nhà trọ đã góp phần giảm tải cho ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh trật tự và sự an toàn cho HSSV, các biện pháp cần thiết và hữu hiệu vẫn đang cần được bổ sung, kê chỉnh...