Hiệu trưởng trường tư thục không được là công chức, viên chức nhà nước

13:37, 14/12/2009

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông tư thục (PTTT). Quy chế này đã đặt ra yêu cầu trường tư thục phải bảo đảm ngay từ năm học đầu tiên, tỷ lệ giáo viên cơ hữu so với tổng số giáo viên phải đạt 100% ở cấp tiểu học, 40% ở cấp THCS và THPT.

 

Trong Quy chế quy định về tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học hoạt động theo loại hình tư thục (sau đây gọi chung là trường phổ thông tư thục), bao gồm: thành lập, sáp nhập, chia tách, đình chỉ hoạt động, giải thể trường phổ thông tư thục; tổ chức và hoạt động của trường phổ thông tư thục; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất, tài chính và tài sản; thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục, khen thưởng và xử lý vi phạm.

 

Trường PTTT có nhiệm vụ và quyền hạn như trường công lập theo quy định tại Điều lệ nhà trường tương ứng đối với mỗi cấp học.

 

Trường PTTT tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông.

 

Trường PTTT được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất, hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

 

Hiệu trưởng trường PTTT phải là người có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Điều lệ nhà trường và không là công chức, viên chức trong biên chế nhà nước.