Học sinh hư, vì sao?

10:10, 06/12/2009

- Trong những năm gần đây, tình trạng học sinh phạm pháp có nhiều dấu hiệu phức tạp cả về tính chất lẫn mức độ nghiêm trọng của vụ án trong khi nguyên nhân lại rất đơn giản như: thiếu tiền chơi điện tử, chat, ăn chơi, đua đòi quá mức…

 

Phạm pháp gia tăng

 

TS. Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD - ĐT) cho biết: Hiện nay có một bộ phận không nhỏ HS chưa có nhận thức và hành vi đúng đắn, lối sống ích kỷ, đua đòi chạy theo giá trị vật chất dẫn đến sao nhãng học tập, tham gia tệ nạn xã hội và phạm tội. Đáng lo ngại, một số HS thiếu tôn trọng thầy, cô giáo, coi thường kỷ luật của nhà trường, thường xuyên nói tục, chửi thề. Theo số liệu từ một cuộc điều tra trong 500 HS ở THCS ở quận 6, TP.HCM cho thấy, 32% HS có thái độ vô lễ với GV; 38% HS thường xuyên nói tục; Gian lận trong học tập và thi cử; thiếu ý thức tôn trọng và làm theo pháp luật.

 

Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội cho thấy, trong 5 năm (từ 2000 - 2005) đã phát hiện 47.000 vụ phạm pháp hình sự do 64.500 em ở tuổi vụ thành niên gây ra, trong đó trình độ tiểu học chiếm 2,8%; THCS chiếm 41%, THPT chiếm 21%. Điều đáng lo ngại, từ năm 2005 đến năm 2008 cho thấy, tổng số vi phạm pháp luật hình sự trong HS, SV khoảng 8.000 trường hợp, trong đó có 2.000 trường hợp đánh nhau gây rối trật tự công cộng, tội phạm ma túy là 815 trường hợp, giết người có 83 vụ… Tình trạng HS phổ thông bỏ học, sống lang thang, thông qua internet để thành lập băng nhóm sử dụng ma túy, gây nhiều vụ đánh nhau, cướp tài sản… có xu hướng tăng.

 

Tổng hợp báo cáo từ 38 Sở GD - ĐT cũng cho thấy, từ năm 2003 đến nay, có hơn 8.100 HS tham gia đánh nhau bị các trường xử lý kỷ luật. Có trường hợp HS trộm cắp, giết người để cướp của hoặc sẵn sàng bán mình chỉ vì vài chục nghìn “cứu net”; Một số trường hợp HS, SV tụ tập sử dụng thuốc lắc, hút cần sa ngay tại gia đình hoặc tham gia buôn bán ma túy…

 

Đạo đức học sinh xuống cấp nhanh, vì sao?

 

Thầy Nguyễn Văn Đồng, trường THPT Mê Linh đặt vấn đề: Vì sao đạo đức học sinh lại xuống cấp nhanh như vậy? Tại sao môn giáo dục đạo đức, giáo dục công dân được tổ chức dạy chính khóa từ tiểu học đến THPT mà không đạt hiệu quả như mong muốn. Sự xuống dốc ấy có nhiều nguyên nhân như đã nêu trên do tác động của mặt trái của sự thay đổi xã hội, sự xâm lấn của văn minh vật chất đang làm bật tung gốc rễ của đạo lý truyền thống và các biện pháp đã tiến hành chưa được một bộ phận trẻ vị thành niên hưởng ứng. Trong khi đó, gia đình lại thiếu quan tâm, chăm sóc, động viên, giáo dục chưa kịp thời. Cá biệt, có gia đình còn buông lỏng, nuông chiều, bao che dung túng cho con em mình tự do hành động theo suy nghĩ không lành mạnh, trái với đạo đức, truyền thống văn hóa dân tộc. Nguy hiểm hơn nữa là còn lôi kéo, rủ rê con em cùng tham gia thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

 

Để ngăn chặn tình trạng HS phạm pháp, Thiếu tướng Đỗ Văn Rụ, Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho rằng, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho HS, SV một cách có hệ thống, biên soạn nội dung phù hợp với từng cấp học, bậc học; Đa dạng hóa hình thức giáo dục pháp luật để thu hút các em… Ông Rụ cũng đề nghị Bộ GD - ĐT  trình Chính phủ đề án đầu tư xây dựng ký túc xá để tránh tình trạng HS, SV phải thuê nhà trọ không đảm bảo điều kiện, thời gian học tập, cũng như khiến cho công tác quản lý HS, SV gặp nhiều khó khăn như hiện nay.