Hiện nay, nhiều giáo viên ở các tỉnh thành gặp nhiều khó khăn và lúng túng với Chương trình Giáo dục mầm non mới.
Không chỉ giáo viên (GV) ở nông thôn, GV thành thị cũng lúng túng với nhiều yêu cầu của Chương trình Giáo dục mầm non mới (CTGDMNM).
Nhiều đại biểu ở các tỉnh thành nêu ra thực trạng tại hội thảo khoa học đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mầm non tổ chức tại Trường CĐ Sư phạm Trung ương T.P HCM ngày 25/12.
Khó chủ động, sáng tạo theo chương trình mới
TS. Đinh Thiện Tứ (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) vừa thực hiện một trưng cầu ý kiến của 120 SV hệ ngoài chính quy đang học tại Khoa Giáo dục mầm non của trường.
Do đó, CTGDMNM đòi hỏi GV phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo tùy theo trình độ của trẻ và thực tiễn của địa phương để xây dựng nội dung và kế hoạch giáo dục trẻ sao cho phù hợp với chủ đề và lứa tuổi . Vì vậy, nhiều GV mầm non lúng túng khi thực hiện chương trình, đặc biệt là GV ở trình độ trung bình và yếu.
Và đến 80% SV cho rằng GV mầm non đa số chưa biết lập kế hoạch giáo dục trẻ cho phù hợp với chủ đề và phù hợp với lứa tuổi. 85% ý kiến cho là đa số GV chưa biết dựa vào trình độ của trẻ để khai thác sự sáng tạo của trẻ, hứng thú của trẻ mà còn áp đặt hoặc làm thay cho trẻ.
70% ý kiến cho là xây dựng các hoạt động giáo dục theo hướng tích hợp, nhiều GV vẫn còn khó khăn. Ở mỗi hoạt động, GV vẫn chưa biết xác định đâu là mặt trọng tâm, chưa biết lồng ghép các kiến thức, kỹ năng và tích hợp các mặt phát triển cho phù hợp với độ tuổi.
Trẻ mệt mỏi với hoạt động tích hợp
Theo TS. Mai Nguyệt Nga, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, dạy tích hợp là dạy học nhẹ nhàng, trẻ tích cực nhưng không hình thành ở trẻ các kỹ năng tạo hình, âm nhạc, toán...
Thế nhưng, thực tế, GV khó có thể đem lại điều đó cho trẻ. Bởi lẽ, có một số GV thiếu kỹ năng tổ chức và tích hợp các hoạt động cho trẻ một cách gượng ép, gò bó. Chưa kể GV đưa vào quá nhiều hoạt động trong giờ học làm trẻ mệt mỏi.
Bà Nguyệt Nga cũng đưa ra thực trạng khi GV gặp khó khăn với việc tách nhỏ các chủ đề lớn thành các chủ đề nhỏ khiến nội dung giáo dục còn lan man.
Bà Nguyệt Nga đưa ra lời khuyên: GV mầm non có thể lựa chọn nội dung hoạt động hợp lý, tương ứng với một chủ đề hoặc một sự kiện nào đó nhằm hướng tới đạt những mục tiêu phát triển nhất định cho trẻ.
Đuối với số trẻ đông, thời gian ít
Theo ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân, Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, số lượng trẻ trong lớp quá đông là ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện và hiệu quả của hoạt động giáo dục theo CTGDMNM.
Tình trạng quá tải về số lượng trẻ ở đa số các trường hiện nay khiến GV khó tổ chức các hoạt động để phát huy tính tích cực của tất cả trẻ trong nhóm lớp, và càng khó để đảm bảo cho mỗi trẻ được tham gia hoạt động.
“Từ tình trạng đó, nhiều GV đành “ngậm ngùi” quay về thói quen lối mòn cũ cung cấp kiến thức cho trẻ để đảm bảo trẻ học được và đạt kết quả tốt khi đánh giá sự phát triển của trẻ” - ThS. Kim Ngân nói thêm.
Đồng tình với ThS. Kim Ngân, ThS. Trần Thị Kim Thoa, Trường Mầm non 11 (Q. Tân Bình, TP.HCM) cũng cho rằng GV khó có thể quan sát, nắm bắt tình hình, tâm lý từng trẻ hay thay đổi môi trường hoạt động, kích thích trẻ vì hạn chế thời gian và số lượng trẻ quá đông trong một lớp học...
Nói về thời gian dạy học ở lớp, bà Trần Thị Nhài, đại diện Trường Mẫu giáo Sơn Ca 4, TP. Cà Mau, cho biết áp lực thời gian gây hạn chế sự sáng tạo của GV. Cường độ lao động quá mệt mỏi phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe GV, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Ngoài ra, trình độ không đồng đều giữa các GV, thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng là khó khăn khi TP. Cà Mau thực hiện chương trình này năm đầu tiên (năm 2008-2009).
Từ những khó khăn của GV đối với CTGDMNM, các đại biểu cũng cho rằng, vấn đề đào tạo GV, SV ngành GDMN cũng nên được xem trọng nhất là khâu thực hành để chương trình được đưa vào lớp học có hiệu quả.