Sẽ mở mỗi tỉnh một trường CĐ y tế?

14:58, 28/12/2009

 - Cho rằng SV tốt nghiệp ngành y mới chỉ đáp ứng 1/3 về nhu cầu số lượng, cả 2 Bộ GD-ĐT và Y tế đều thấy cần phải mở thêm trường, tăng chỉ tiêu tuyển sinh; khuyến khích nhà đầu tư tư nhân lập các cơ sở đào tạo y tế.

Nội dung này được đặt ra tại hội nghị “Đào tạo nhân lực y dược theo nhu cầu xã hội” được tổ chức tại TP.HCM ngày 27/12.

 

Thiếu ít nhất gần 50.000 cán bộ y tế

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay, nếu tính theo số giường bệnh,  cả nước cần 47.035 cán bộ y tế. Còn tính theo chế độ làm việc ca, con số này lên đến 80.775 người.

 

Trong đó, các bệnh viện tuyến tỉnh thiếu trầm trọng, cần bổ sung 35.815 người (tính theo số giường bệnh); thậm chí là 50.788 người (nếu tính làm theo ca). Ở tuyến trung ương, nhu cầu này là hơn 2.000 người.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, lĩnh vực lâm sàng hiện thiếu nhiều nhất: 28.221 người. Thực tế, cận lâm sàng và dược là 2 lĩnh vực có sức thu hút thấp nên việc bù đắp thiếu hụt rất nan giải.

 

Bà Tiến ước tính, đến năm 2015, ngành y tế cần có thêm 704.844 cán bộ. Để đáp ứng nhu cầu đó, mỗi năm, cần đào tạo khoảng 78.000 cán bộ y tế. Trong khi, số SV tốt nghiệp ngành Y khóa 2007 – 2013 trên toàn quốc chỉ có thể ở mức 27.000, tức thấp hơn gần 3 lần.

 

Theo thông tin của Bộ GD-ĐT, quy mô đào tạo ở các trường ĐH, CĐ y dược không lớn. Tổng quy mô bình quân 4 năm (2004 - 2008) là 31.907 SV. Thứ trưởng Bành Tiến Long so sánh, trong khi đó, các khối ngành khác có quy mô đào tạo rất lớn. Ví dụ, ĐH Kinh tế Quốc dân, năm 2007 – 2008 đào tạo 35.845 SV, ĐH Bách khoa là 41.390.

 

Mỗi tỉnh có ít nhất một trường cao đẳng y tế

 

Dựa trên tiêu chí về số bác sĩ và cán bộ y tế/10.000 dân trong giai đoạn 2015 – 2020, ngành giáo dục tính toán mỗi năm  phải đào tạo 5.965 bác sĩ, 1.500 dược sĩ, 10.142 điều dưỡng và 7.243 kỹ thuật viên, hộ sinh, hộ lý. Đối với cán bộ y tế dự phòng, mỗi năm cần đào tạo 1.500 cán bộ trình độ ĐH và 2.460 cán bộ có trình độ CĐ, trung cấp.

 

 Thứ trưởng Long cho hay, trong những năm tới, mỗi tỉnh phải có ít nhất một trường CĐ y tế. Đồng thời, tăng quy mô đào tạo ở các trường ĐH, CĐ y dược; khuyến khích nhà đầu tư tư nhân mở cơ sở đào tạo.

 

Bộ Y tế cũng thấy cần tăng chỉ tiêu tuyển sinh, phát triển hợp lý các hình thức đào tạo theo “đơn đặt hàng”, mở rộng đào tạo liên thông.

 

Tuy nhiên, bà Tiến nhấn mạnh, việc tăng quy mô đào tạo phải gắn liền với việc đảm bảo chất lượng.

 

Nhiều đại biểu đến từ các trường cho rằng, để có thể vừa tăng quy mô đào tạo vừa bảo đảm chất lượng, cần có những quy định mới về học phí, chi trả chi phí đào tạo đặc thù đối với nghề y, theo đúng chủ trương thu đủ bù chi và có tích lũy để tái đầu tư.

 

 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Nhà nước -  thông qua UBND các tỉnh, thành, các bệnh viện công lập - có thể "đặt hàng" các trường, với kinh phí đào tạo do Nhà nước chi trả. Bệnh viện tư cũng có thể “đặt hàng” với chi phí cao hơn, nhưng người học phải có nghĩa vụ đối với đất nước ngang nhau, tức là khi tốt nghiệp sẽ làm việc ở nơi khó khăn một số năm theo quy định.

 

Ông Nhân cho hay,  thời gian tới, lãnh đạo các bộ GD-ĐT, Y tế, Kế hoạch - đầu tư và Tài chính cần họp để cụ thể hóa các nội dung chi phí đào tạo, chính sách, thời gian luân chuyển của cán bộ ngành y.