Thiết bị dạy học tự làm: Kinh phí chỉ là khởi đầu

08:32, 16/12/2009

Đề án Phát triển thiết bị dạy học tự làm cấp học mầm non và phổ thông (đề án) đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên tại 3 miền, tuy được ngành cho rằng chỉ mang tính nội bộ nhưng trên thực tế nó có ý nghĩa xã hội không nhỏ.

 

Bởi nếu mục tiêu đề án đặt ra mà đạt được, nghĩa là hoạt động tự làm đồ dùng, thiết bị dạy học trở thành công việc thường xuyên của mọi giáo viên, thì chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ được cải thiện. 700 tỷ đồng đã đủ làm nên điều ấy?

 

Từ tự phát thành tự giác

 

Bộ đồ dùng dạy học cho trẻ mầm non làm từ cây ngô mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp được trưng bày tại triển lãm thiết bị đồ dùng dạy học. Ảnh: Linh Tâm

  

Việc giáo viên cải tiến các thiết bị dạy học (TBDH) có sẵn hoặc tự làm những đồ dùng mới từ những nguyên, vật liệu dễ kiếm, thậm chí là từ phế liệu, đã có từ lâu. TBDH phục vụ cho việc truyền đạt kiến thức tới học sinh là nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên, nhất là những thầy, cô có lòng yêu nghề, yêu trò. Có lẽ vì thế nên khi Hà Nội khởi xướng phong trào thi làm TBDH dăm năm trước và đưa nội dung này vào triển lãm - hội chợ sách TBDH được tổ chức hằng năm phục vụ cho tiến trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, những gian hàng trưng bày sản phẩm của các thầy, cô đã trở thành linh hồn của triển lãm. Nó cũng lý giải về sự phát triển âm thầm của phong trào tự làm đồ dùng dạy học của các trường học khu vực phía Nam, nơi được đánh giá là không sôi nổi bằng phía Bắc.

  

Từ việc làm tự phát của mỗi thầy, cô giáo, những năm gần đây, đặc biệt là trước yêu cầu đổi mới phương pháp phục vụ cho việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa, tự làm TBDH đã được các cấp quản lý quan tâm.

 

Ở nhiều tỉnh, thành, ngành giáo dục đã tổ chức các cuộc thi, đưa kết quả của việc tham gia làm đồ dùng dạy học vào nội dung thi đua và đã đầu tư kinh phí. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT được công bố tại hội thảo về đề án được tổ chức cuối tuần qua ở Hà Nội, khu vực phía Bắc có 32% số tỉnh, thành tổ chức phong trào, con số này ở miền Nam là 53%, miền Trung là 62%. Nhiều tỉnh, thành có phong trào tốt như Hà Nội đã có 7 năm tổ chức hội thi, số tiền đầu tư lên đến 8,3 tỷ đồng; cấp huyện ở Hòa Bình đầu tư 1,8 tỷ đồng, tỉnh 225 triệu đồng. Tính trên toàn quốc, theo thống kê chưa đầy đủ, trong 2 năm qua, số tiền đầu tư cho công tác này ở cấp huyện là 17,8 tỷ đồng, cấp tỉnh là 5,6 tỷ đồng. Nhưng điều đáng nói là, số kinh phí này chỉ để tổ chức hội thi và khen thưởng các sản phẩm được giải. Hầu hết giáo viên và các trường làm đồ dùng để dạy hoặc để đi thi đều phải tự lo kinh phí hoặc bằng nguồn xã hội hóa hoặc các thầy, cô tự bỏ tiền. Một chút "danh", vài trăm nghìn tiền thưởng nếu sản phẩm được giải có lẽ chưa thể là động cơ chính để họ làm những việc này. Như nhiều đại biểu đã phát biểu tại hội thảo, mong muốn truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách dễ hiểu nhất, làm cho giờ học sinh động và đạt hiệu quả cao nhất là lý do chính khiến họ mày mò và sáng tạo.

 

 

Kinh phí thôi chưa đủ 

 

Theo dự thảo đề án, 700 tỷ đồng sẽ được dành để triển khai trong 4 năm từ 2010 đến 2014, trong đó phần kinh phí hỗ trợ trực tiếp các hoạt động tại trường học chiếm phần lớn. Ví dụ, trong 2 năm 2010 và 2011, mỗi trường mầm non tham gia thí điểm sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng, tiểu học 15 triệu đồng, THCS 20 triệu đồng, THPT 25 triệu đồng. Trong giai đoạn tiếp theo, mức hỗ trợ này sẽ được triển khai đại trà ở 3.950 trường mầm non, 15 nghìn trường tiểu học, 669 trường phổ thông cơ sở, 9.868 trường THCS, 1.735 trường THPT. Đây là sự hỗ trợ cần thiết nhưng chưa phải đã đủ để việc tự làm TBDH trở thành hoạt động thường xuyên.

 

 Thực tế cho thấy, với mỗi cấp học, việc tự làm TBDH có những đòi hỏi rất riêng. Với mầm non, TBDH tương đối đơn giản, đòi hỏi về độ bền, tính chính xác cũng không cao nhưng yêu cầu thẩm mỹ và độ an toàn lại rất quan trọng. Với tiểu học, TBDH phải trực quan, sinh động, đơn giản trong thiết kế cũng như trong sử dụng. Ở cấp THCS và THPT thì tính chính xác, khoa học và độ bền lại đòi hỏi cao... Với những đặc điểm như vậy, cô giáo mầm non nào cũng có thể làm được TBDH nhưng không phải thầy, cô nào dạy THCS, THPT cũng có thể chế tạo được thiết bị phù hợp và với nhiều người thì sử dụng có hiệu quả những thiết bị tối thiểu đã được trang bị cũng đã đạt yêu cầu. Bởi thế, mục tiêu quan trọng mà đề án cần đạt được là xây dựng hệ thống văn bản pháp quy sao cho những quy định về việc tự làm TBDH cũng như cơ chế, chính sách đối với giáo viên có thể thúc đẩy hoạt động này nhưng không khiến nó trở thành một việc làm mang tính hình thức. Hơn nữa, làm thế nào để những sản phẩm có giá trị mang tính ứng dụng cao được phổ biến, thậm chí trở thành hàng hóa, cũng là điều phải tính đến. Trong đề án, những vấn đề này đã được đề cập, tuy chưa đầy đủ và cụ thể song cũng khiến các thầy, cô giáo hy vọng rằng rồi đây, tâm huyết, trí tuệ, công sức của họ được kết tinh trong những TBDH tự làm sẽ được góp phần vào việc nâng cao chất lượng các giờ dạy không chỉ của mình mà còn của nhiều đồng nghiệp.