Mỹ, nền giáo dục danh tiếng trên thế giới khó có thể áp dụng những ưu việt của cải cách giáo dục ở Thụy Điển do sự khác biệt về văn hóa. Vậy Việt Nam thì sao?
Mỹ không thể cải cách như Thụy Điển, tại sao?
Một trong những lý do khiến Mỹ không thể áp dụng hướng cải cách của Thụy Điển chính là ở chỗ nền dân chủ xã hội ở Thụy Điển không cho phép sự cách biệt quá lớn về mức thu nhập kinh tế giữa các công dân.
Chính phủ Thụy Điển đã chủ tâm thực thi một hệ thống kinh tế cho phép mọi công dân có quyền lợi đồng đều, đồng thời cung cấp phụ phí làm việc, được xem như hệ thống an sinh xã hội. Do đó, tạo sự đồng đều về lợi ích cho tất cả người có việc làm, ngay cả chỉ làm bán thời gian. Do đó, sự cách biệt về mức sống của một người lao động bình thường với một người có chuyên môn nghiệp vụ cao cấp như bác sĩ thì không bao nhiêu, không phải “quá trời” như ở Mỹ.
Chính phủ Thụy Điển đã thành công trong việc loại bỏ tương đối tốt tình trạng nghèo đói trên phạm vi cả nước. Trong khi đó, nghèo đói vẫn đang là một lực cản mà cải cách giáo dục Mỹ không thể nào vượt qua.
Bên cạnh đó, người Thụy Điển chấp nhận cải cách mà người Mỹ không chấp nhận do sự khác biệt về chủ nghĩa cá nhân trong hai nền văn hoá.
Nền văn hoá Thụy Điển (cũng như các nước Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch) tuy thiên về cá nhân hơn tập thể, nhưng là chủ nghĩa cá nhân nằm ngang. Nghĩa là tuy mỗi người chịu trách nhiệm chính yếu về sự phát triển của riêng mình, nhưng họ sẽ cảm thấy hổ thẹn như có tội khi quá giàu hay đã làm những điều khiến cho người khác trở nên nghèo. Trong thâm tâm, họ e ngại việc chấp nhận sự cách biệt quá lớn về tài sản giữa các công dân trong xã hội.
Trái lại, người Mỹ theo chủ nghĩa cá nhân thẳng đứng, nghĩa là ai có sức, có tài thì cứ làm giàu, cứ lên cao còn mặc kệ thiên hạ nằm bẹp dí dưới chân. Cho nên, họ sẵn sàng chấp nhận sự cách biệt lớn lao về tài sản, mà không muốn tạo ra hình thức an sinh xã hội kiểu Thụy Điển.
Phong cách sống của người Thụy Điển là: “Không một lá cỏ nào có thể vượt cao hơn những lá cỏ khác, vì lá cỏ ấy sẽ bị cắt trước tiên”. Do đó, người Thụy Điển biết sống có tình người hơn, không có cái tâm lấn lướt, chà đạp người khác để mình đi lên, hay vơ vét hết về cho mình, mặc kệ thiên hạ đói khổ.
Lí do thứ 3 khiến nền giáo dục Mỹ khó áp dụng hướng cải cách như ở Thụy Điển là do hiện nay, việc điều hành nhà trường trong hệ K-12 ở Mỹ là theo sự chỉ đạo rất quan liêu từ trên xuống.
Các thầy giáo và học sinh bắt buộc phải làm theo hướng dẫn để làm sao cuối cùng học sinh đạt được 3 chỉ tiêu: đúng giờ, biết vâng lời, và làm được bài kiểm tra chuẩn của bang. Nếu không, nhà trường sẽ bị khiển trách hay bị trừng phạt theo Luật Giáo dục No Child Left Behind được ban hành trong thời Tổng thống Bush.
Hệ thống giáo dục K-12 của Mỹ đang có 49 tiêu chuẩn khác nhau về chất lượng học tập tuỳ theo từng bang, chỉ trừ bang
Hệ quả là nhà trường và thầy giáo bị mệt mỏi để duy trì ba chỉ tiêu trên. Họ không còn hơi sức đâu để giảng dạy được như Thụy Điển, rèn luyện cho học sinh các phẩm chất để trở thành người lao động trong nền kinh tế hậu công nghiệp và toàn cầu.
Đó là người học sinh vui vẻ học tập trong tinh thần tự giác để trở thành người học tập suốt đời, làm được công việc đòi hỏi kiến thức, biết tự điều chỉnh, tự định hướng, tương đối không bị giám sát vì biết chịu trách nhiệm về các hành động của riêng mình.
Khả năng áp dụng tại Việt Nam
Phương pháp giảng dạy truyền thống khó đạt hiệu quả cao.
Ở nước ta, cũng có những nhà giáo đầy tâm huyết. Phương pháp giảng dạy truyền thống là thầy giảng, trò chép, học những kiến thức “chết cứng” trong sách, rồi lặp lại các kiến thức ấy trong các bài thi để có bằng cấp là sai lầm.
Người học trò ngồi thụ động chờ thầy rót kiến thức vào. Đó là kiến thức áp đặt từ bên ngoài chứ không phải do học trò tự thân chứng nghiệm. Do đó, kiến thức ấy đã không hoà tan trong máu thịt học trò, không giúp chúng có thể có những phát kiến vượt qua kiến thức, tạo ra cái mới, góp phần cải tiến xã hội hiện tại và tương lai.
Trong truyền thống mấy nghìn năm văn hiến, dân tộc ta đã có những giá trị đạo lý làm người như từ bi, hỷ xả; nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; cần, kiệm, liêm, chính; chí công, vô tư; công bằng, bác ái,... Phương hướng nhận thức thực tại trong kinh sách nhà Phật vốn đã tiềm tàng trong văn hoá dân tộc từ hai nghìn năm nay. Những kiến thức đó thừa sức để chúng ta đúc kết lại thành chuẩn mực văn hoá đạo lý sống như lagom của Thụy Điển.
Và để xây dựng nền giáo dục phù hợp với tiến bộ khoa học nhưng nhân bản, coi trọng giá trị đạo lý làm người, biết học hỏi và giúp nhau cùng thăng tiến... Tiếc rằng, chúng ta chưa làm được như vậy.
Đất nước ta đã hòa bình hơn một phần ba thế kỷ, nền giáo dục đã được cải cách nhiều lần, nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề. Cho nên những người lãnh đạo giáo dục ở mọi cấp tự biết rằng mình đang đảm trách một nhiệm vụ rất nặng nhọc.
Tôi nói là nặng nhọc, khó khăn mà chưa vội nói là vinh quang, bởi vinh quang chỉ có được sau khi đã tạo ra công đức. Nhưng giá trị đạo lý làm người và đường hướng giáo dục tốt đẹp vẫn tiềm tàng trong văn hoá dân tộc, và kinh nghiệm sẵn có của các nền giáo dục tiên tiến ở các nước.
Những vị lãnh đạo giáo dục rút ra được những bài học kinh nghiệm mà cải tiến, hướng tới nền giáo dục tiên tiến, thì vòng nguyệt quế vinh quang sẽ đến.