Dạy con biết liều

14:04, 05/01/2010

Muốn trẻ đạt những thành tựu lớn thì đôi khi bạn phải để chúng trải qua những thất bại nặng nề.

 

Càng được bao bọc, càng lắm "bệnh"

 

Hiện nay, nhiều trẻ không được thoải mái vui chơi, chạy nhảy, mà chỉ loanh quanh trong bốn bức tường hay ngồi lì một chỗ, "dán" mắt vào ti vi, máy tính. Hậu quả nhãn tiền của việc này chính là bệnh béo phì, cận thị đang ngày càng phổ biến đối với trẻ nhỏ.

 

Không những vậy, thế hệ những đứa trẻ được nâng niu, chiều chuộng thường trở nên đơn độc, lẻ loi, buồn phiền, rất dễ mắc bệnh trầm cảm, tự kỉ.

 

Điều đó khiến cảm xúc và tính xã hội của trẻ bị cằn cỗi, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm sinh lý. Dần dần trẻ sẽ mất khả năng giao tiếp xã hội, không hòa đồng với những người khác.

 

Những đứa trẻ bị cô lập trong 4 bức tường, ít tiếp xúc thì khi ra ngoài xã hội đó rất dễ gây gổ, không có khả năng tự chủ, kìm chế được bản thân, nguy cơ phạm tội cao…

 

Vào năm 2007, một cuộc điều tra đã cho kết quả rất trớ trêu rằng: số trẻ phải nhập viện vì bị ngã từ trên giường xuống đất nhiều gấp 3 lần số trẻ bị ngã do trèo cây.

 

Rõ ràng, trẻ càng được bao bọc lúc nhỏ, thì khi lớn lên, chúng càng gặp khó khăn và thất bại khi phải đối mặt với những rắc rối, thử thách của cuộc sống.

 

Hiệu trưởng trường Independent Association of Preparatory Schools cho rằng: Nếu một đứa trẻ luôn được bố mẹ lái xe chở đi khắp nơi thì khi chúng tự đi bằng chính đôi chân của mình, chúng sẽ có nguy cơ bị ô tô cán nhiều hơn”.

 

Cũng giống như chuyện con tằm được cắt bỏ vỏ kén suốt đời chỉ bò luẩn quẩn mà không bao giờ trở thành con bướm để bay lên, những đứa trẻ được bố mẹ trang bị quá đầy đủ cũng khó để trưởng thành.

 

Khuyến khích mạo hiểm

 

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, cha mẹ nên để cho trẻ được tham gia những trò chơi mang tính liều lĩnh, mạo hiểm một chút. Như vậy, trẻ sẽ có cơ hội được cọ xát, thử sức mình, nâng cao sức bền và tính kiên cường.  

 

Những trò chơi mang tính vận động cao, có tính phiêu lưu cần được khuyến khích như: các môn thể thao dưới nước, đấm bốc, leo cây…

 

Trước kia, trẻ con thường hay rong chơi, khám phá những vùng rộng lớn và xa xôi quanh ngôi nhà của chúng bằng xe đạp. Ngày nay, phần lớn bọn trẻ chỉ chơi quanh quẩn ở trong nhà hoặc cùng lắm là ra ngoài sân, ngoài vườn. Do đó, rất nhiều HS hiện nay đang bị thiếu kiến thức thực tế, thiếu sự liều lĩnh, cũng như niềm đam mê khám phá cuộc sống và bản thân.

 

Việc cho trẻ được ra ngoài chơi cũng sẽ giúp các em nâng cao khả năng giao tiếp xã hội, hình thành kỹ năng xây dựng và củng cố các mối quan hệ bạn bè, cũng như việc giải quyết tranh chấp, xung đột.

 

Adrian Voce, Giám đốc phụ trách các khu vui chơi trẻ em Play England cho rằng nên để trẻ học đối mặt với rủi ro: “Nếu chẳng may một đứa trẻ bị sơ sẩy, xây xát, thì đó cũng không phải ngày tận thế của thế giới”.

 

Voce đã tổ chức hàng trăm sự kiện vui chơi dành cho trẻ. Đây còn là cơ hội để trẻ tự kiểm tra, thử thách khả năng của bản thân bằng cách tham gia các trò chơi có mức độ mạo hiểm khác nhau.

 

Andrea Quaintmere, người quản lý khu vui chơi Toffee Park Adventure Playground tại London kể lại: Tôi nhớ có một bé gái 9 tuổi tên là Kiara đã nói với tôi rằng: "Cháu rất thích leo cây. Nhưng mẹ lại nói là quá nguy hiểm. Mặc dù vậy bố vẫn ủng hộ cháu. Nếu chẳng may cháu có ngã và bị đau thì cháu cũng sẽ tự đứng dậy và mỉm cười".

 

Còn Hiệu trưởng trường Independent Association of Preparatory Schools, ông David Hanson nói: "Nếu bạn muốn trẻ đạt những thành tựu lớn thì đôi khi bạn phải để chúng trải qua những thất bại nặng nề. Trẻ con không nên tin rằng cuộc sống của chúng luôn là màu hồng, luôn đạt được mọi thứ chúng muốn một cách dễ dãi. Khi thất bại, chúng cần phải biết đứng dậy và cố gắng lần nữa”.