Giáo dục bằng cách rèn kỹ năng sống

08:04, 20/01/2010

“Nhiều học sinh, vì thiếu kỹ năng sống đã trở thành nạn nhân của những tệ nạn xã hội, thành những đứa con hư”. Trăn trở với suy nghĩ này, cô Trần Minh Thuý đã dồn tâm sức cho sáng kiến kinh nghiệm giáo dục: “Rèn kỹ năng sống cho học sinh lứa tuổi cấp hai”.

 

Tâm huyết và ý tưởng của cô giáo trẻ đã nảy mầm và đang xanh tốt tại mảnh đất Trường THCS Lê Chân (TP Hải Phòng) - trường điểm cấp thành phố thuộc Dự án Phát triển Giáo dục THCS II – Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư trọng điểm nơi cô công tác.

 

Ý tưởng cho giáo dục hẳn là không thiếu. Nhưng có lẽ hiện nay ở Việt Nam vẫn còn quá thiếu người dám hiện thực hoá nó. Kinh nghiệm của cô Thúy, vì thế, mang đến trường nào chia sẻ đều được nhiệt tình đón nhận.

 

Bất ngờ từ những cuộc thi

 

Một nhóm học sinh lớp 8 vui vẻ bước vào quán nước. Bỗng các em nhìn thấy bố của H.- một bạn nữ trong nhóm - đang ngồi cầm tay một  người phụ nữ khác trong quán nước đó. H. sững ra không biết cư xử như thế nào. 

 

 

Đó là 1 tình huống được đưa ra tại cuộc thi Tuổi vị thành niên thời @ tại trường THCS Lê Chân, yêu cầu trong vòng 1 phút, đội chơi phải đưa ra cách ứng xử cho tình huống trên.

 

Với lứa tuổi cấp 2, dường như đó là một tình huống quá sức. Dù không hề được chuẩn bị trước, nhưng chính các em học sinh đã làm giám khảo và người lớn là đại diện các chi hội phụ huynh của trường phải ngạc nhiên.

 

Các em bình tĩnh phân tích: “Khi gặp tình huống đó, có bạn mất bình tĩnh và xông ra làm ầm ĩ lên, có bạn giữ kín trong lòng, âm thầm, chịu đựng, theo dõi hành vi của bố rồi chán chường, ảnh hưởng học tập. Có người mách với mẹ. Tuy nhiên, nếu là H, tôi sẽ chọn cách nói chuyện trực tiếp với bố rằng: Nếu đó là sự chia sẻ hoàn toàn mang tính chất công việc với 1 người phụ nữ khác thì không nên gặp ở những chỗ dễ gây hiểu nhầm với người khác. Nếu bố có tình cảm với người phụ nữ ấy thì bố hãy nghĩ đến con, nghĩ đến mẹ sẽ buồn như thế nào khi bố như vậy. Tôi tin, bố bạn sẽ nghĩ lại”. Cách giải quyết tình huống ngắn gọn thực sự gây ngỡ ngàng cho toàn thể những người có mặt theo dõi cuộc thi.

 

Một tình huống khác về cách cư xử khi một học sinh gặp phải một thầy giáo gia sư là người đồng tính cũng đã được các em đưa ra cách xử sự rất khôn ngoan: Trước hết, không vì thế mà có thái độ xa lánh. Khuyên anh nên tham gia vào các hội, nhóm những người giống mình. Nếu tình hình vẫn không thay đổi, khi đó sẽ bảo với bố mẹ thay gia sư khác.

 

Cuộc thi “Tuổi vị thành niên thời @” được tổ chức 1 năm sau cuộc thi “Tuổi teen với kỹ năng sống”. Đây là hai giai đoạn trong đề tài “Rèn kỹ năng sống cho học sinh THCS” của cô giáo Trần Minh Thúy, trường THCS Lê Chân.

 

Gạch nối giữa hai cuộc thi là những cuộc thi viết theo hình thức trả lời trắc nghiệm về các kiến thức liên quan đến hiểu biết về sức khỏe sinh sản vị thành niên dưới hình thức các cuộc thi tháng. Các giai đoạn là sự phát triển về cấp độ, giúp các em tự rèn kỹ năng sống cho bản thân. Từ những kinh nghiệm của các em và nhóm bạn, biết được những tình huống có thể gặp và tìm cho mình cách giải quyết phù hợp nhất.

 

Phần ứng xử tình huống do học sinh đưa ra luôn gây hứng thú nhiều nhất và cũng là trọng tâm của các hoạt động rèn kỹ năng sống cho học sinh. Toàn trường mở một cuộc thi sáng tạo “tình huống này, bạn đã gặp chưa?” với mục đích tìm kiếm các tình huống tiêu biểu và độc đáo cho cuộc thi.

 

Từ ngân hàng với hàng trăm tình huống, ban giám hiệu sẽ lọc ra một số tình huống để học sinh bốc thăm. Các em học sinh sẽ kiêm luôn diễn viên. Ở cuộc thi thứ nhất, các tình huống được chuẩn bị trước và ghi lại bằng các video clip để trình chiếu cho các đội chơi quan sát. Nhưng đến cuộc thi thứ 3, tình huống sẽ được các em bốc thăm chọn lựa và diễn xuất ngay chính trên sân khấu.

 

Một điều thú vị là: Tuy chỉ là cuộc thi cho học sinh trong trường, nhưng ngoài sự tham gia của 100% học sinh và giáo viên, đại diện chi hội phụ huynh hội phụ nữ, đoàn thanh niên, nhà văn hóa thiếu nhi của quận Lê Chân (TP Hải Phòng) thậm chí cả công an phường, khi được mời, đều cũng đều quan tâm và đến ủng hộ.

 

Mỗi lớp học, một tổ tham vấn kỹ năng sống

 

Một học sinh lớp 9, bố mẹ bỏ nhau. Người bố bỏ đi, một thời gian sau đó quay về hay đánh đập mẹ và lấy các đồ đạc trong nhà tự ý đi bán. Cậu con trai khổ sở đến “cầu cứu cô giáo: Em thương mẹ em lắm! Cô bảo bây giờ em phải làm như thế nào?… Hoặc có một học sinh nữ khác mắc phải trường hợp bị một anh bạn của anh trai “quấy rối”. Em ko biết chia sẻ với ai. Bố mẹ thì em không dám nói…

 

Đó là hai trong rất nhiều trường hợp học sinh trường Lê Chân tìm đến các thầy cô giáo mong được chia sẻ và giúp đỡ, từ khi câu lạc bộ tham vấn kỹ năng sống cho học sinh được thành lập tại trường.

 

Đề tài “Rèn kỹ năng sống cho học sinh THCS” của cô Thúy triển khai từ tháng 12/2008, trong khuôn khổ thực hiện cuộc thi “Sáng tạo Giáo dục” do Dự án Phát triển Giáo dục THCSII, một trong các cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” chủ trì cũng là lúc trường THCS Lê Chân quyết định thành lập mô hình tham vấn kỹ năng sống cho học sinh.

 

Toàn trường có 20 lớp, mỗi lớp đều có 1 tổ tham vấn kỹ năng sống. 5 bạn học sinh đại diện cho tổ sẽ tham gia vào Câu lạc bộ tham vấn kỹ năng sống của trường. Mỗi tháng, câu lạc bộ này sinh hoạt 2 lần. Ban chấp hành chi đoàn giáo viên là ban cố vấn cho CLB.

 

Không phải lúc nào học sinh cũng đưa ra tình huống, chính vì thể, các thầy cô giáo trong chi đoàn giáo viên sẽ phải là những người cập nhật nhiều thông tin về xã hội để luôn có những tình huống “bài tập” dự phòng cho học sinh. Câu lạc bộ còn tư vấn cách ăn mặc cho các bạn nữ, các kiến thức về các bài tập thể dục thể thao để có cơ thể khỏe đẹp, tư vấn về an toàn giao thông, các kiến thức xã hội khác…

 

Chính vì thế, các thầy cô giáo, bên cạnh làm tốt chuyên môn cũng phải xây dựng luôn thói quen cập nhật thời sự và các kiến thức xã hội mới có thể làm tốt vai trò cố vấn cho câu lạc bộ này.  “Phải mày mò trên mạng internet để biết được học sinh thời nay nghĩ gì, hành động như thế nào để có thể lựa chọn hoặc nghĩ ra các tình huống bài tập cho các em. Cũng mệt lắm chứ. Nhưng vui!”, cô Thúy chia sẻ.

 

Giáo dục nghĩa là “đón bắt”

 

Cô Thúy nói: “Nhiều người vẫn nghĩ rằng các em học sinh lớp 6, lớp 7, thậm chí lớp 8, lớp 9 vẫn là trẻ con. Việc đưa các kiến thức nhạy cảm kiểu “Nếu quan hệ trước 18 tuổi thì có thể bị mắc những bệnh gì” hoặc tình huống bi kịch gia đình bố mẹ bỏ nhau thì có quá sớm với các em hay không.

 

Sự thực là nếu không đưa ra cho các em, chờ đến khi các em 18 tuổi thì sẽ là quá muộn. Đã có trường hợp học sinh của trường mình bỏ nhà đi hai tháng một phần cũng vì các em đã không được định hướng tốt về kỹ năng sống đúng đắn.

 

Cô Thúy cho rằng, giáo dục nghĩa là đón bắt. Điều này càng thể hiện rõ trong việc rèn kỹ năng sống cho học sinh. Chúng ta không chỉ dạy cho các em cách phản ứng, ứng xử với những tình huống mà các em đã và đang gặp phải, mà với tư cách là những người đi trước, dù ít hay nhiều, khi này hay khi khác đã có lúc phải trả giá cho những hành động và lời nói do thiếu hụt kỹ năng sống, các thầy cô còn cần phải dự liệu rât nhiều tình huống có thể xảy đến với các em để tư vấn kịp thời cho các em. Đừng để các em lặp lại những sai lầm mà chúng ta đã gặp.

 

Từ khi bắt tay vào làm đề tài này cho tới nay, khi chương trình đang “chạy tốt” ở trường, cô Thúy chỉ nghĩ đơn giản: Rèn kỹ năng sống thực sự cần thiết và ngày càng cần thiết cho học sinh, vì qua rèn kỹ năng sống sẽ tạo những sân chơi là các câu lạc bộ, hoạt động nhóm cho học sinh, tìm hiểu di tích lịch sử, hướng học sinh cùng xây dựng trường lớp xanh sạch đẹp. Mọi nội dung khác của Phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đều có thể xoay quanh “trục” rèn kỹ năng sống cho các em.

 

Khi cô Thúy mang thực tế hoạt động này đến chia sẻ với các trường bạn tại một số tỉnh thành, các đồng nghiệp của cô đua nhau xin sao các đĩa tư liệu đề tài để học hỏi. Cá biệt có trường ở Thị xã Cửa Lò (Tỉnh Nghệ An), các thầy cô đã sẵn sàng bỏ tiền đi taxi hơn 20 cây số để ra TP Vinh để kiếm một cửa hàng sao băng đĩa. Những gì đã diễn ra ở trường THCS Lê Chân đủ để cô Thúy tin tưởng: “Rèn kỹ năng sống cho học sinh theo kiểu đó, trường nào cũng có thể làm!”.