Giáo dục từ xa - cơ hội học tập cho mọi người

09:57, 13/01/2010

Những năm gần đây, một số cơ sở giáo dục tại Thái Nguyên đã bắt đầu tổ chức đào tạo theo hình thức giáo dục từ xa (GDTX), trong đó có Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên với bốn chuyên ngành: Luật Kinh tế, Kế toán, Tài chính Ngân hàng và Quản trị Kinh doanh.  

 

Việc đăng ký học rất dễ dàng và thuận tiện: người học chỉ cần tốt nghiệp THPT, Trung cấp hoặc tương đương sẽ đủ điều kiện xét tuyển (học viên không phải thi tuyển sinh). Khi kết thúc khóa học, học viên có thể thi hoặc làm khóa luận, đồ án tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp bằng Cử nhân. Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên, với sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống thiết bị CNTT hiện đại, đang phần nào đáp ứng được nhu cầu học tập của người học cũng như yêu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. 

 

Ở Việt Nam, GDTX đang trở nên ngày càng phổ biến, tuy nhiên, hiểu đúng bản chất của hình thức đào tạo này lại không phải là một việc dễ dàng.

 

Có nhiều người cho rằng GDTX là hình thức giáo dục mà trong đó các giáo viên được cử đi dạy ở một nơi xa trường đại học họ công tác, hoặc một trường đại học gửi tài liệu học tập cho học viên để họ tự học, sau đó cấp bằng. Đó là không phải GDTX mà là hình thức học hàm thụ. Những nhầm lẫn này rất thường thấy ở Việt Nam.

 

GDTX là loại hình giáo dục mà trong đó người dạy và người học ở cách xa nhau trong phần lớn quá trình đào tạo. Vì vậy, sự  truyền tải thông tin, kiến thức giữa thầy và trò chủ yếu được thực hiện thông qua hệ thống học liệu được biên soạn, chuẩn hoá và được truyền dẫn thông qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại. Tuy xa cách về mặt địa lý, nhưng người dạy và người học vẫn có sự trực tiếp trao đổi thông tin định kỳ. Có thể nói đó là những đặc trưng làm nên nét riêng của GDTX.

 

Một mặt, GDTX giúp mở rộng cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Những người đã đi làm có thể vừa công tác, vừa tham gia học tập để bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ và bằng cấp. GDTX cũng đã chứng tỏ là sự lựa chọn phù hợp cho nhiều đối tượng khác như: học sinh mới tốt nghiệp THPT không có đủ điều kiện theo học các khóa học chính quy, sinh viên có nguyện vọng học một lúc nhiều ngành học khác nhau… Như vậy, GDTX chính là một giải pháp rất hữu hiệu góp phần xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện cho mọi đối tượng có thể tham gia học tập một cách thường xuyên. Bên cạnh đó, GDTX đúng đắn sẽ giúp người học có được phương pháp học tập khoa học, chủ động. GDTX yêu cầu tính kỷ luật cao và rèn luyện khả năng học tập, nghiên cứu độc lập cho người học. Để việc học tập đạt hiệu quả cao, sinh viên bắt buộc phải tự học, đọc nhiều tài liệu, hoàn thành các bài tập và bài kiểm tra đúng thời hạn. Một cách rất tự nhiên, kiểu học này dần dần sẽ đưa người học vào khuôn khổ và tạo cho họ tinh thần học tập chủ động. Bên cạnh đó, GDTX bắt buộc người học phải trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản về máy tính và cách tra cứu, tìm tài liệu trên internet. GDTX giúp người học có thể tranh thủ bất cứ thời gian rảnh rỗi để học và lựa chọn một thời gian biểu thích hợp để trao đổi với giáo viên mà không cần gặp gỡ trực tiếp.

 

Mặt khác, GDTX mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho cả người học lẫn cơ sở đào tạo. GDTX giúp giảm đáng kể chi phí đào tạo. Các cơ sở đào tạo có thể tăng số lượng học viên mà không phải quá lo lắng về vấn đề tăng chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, không gian học tập. Hơn thế nữa, GDTX còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người học bằng cách tiết kiệm tối đa chi phí dành cho ăn ở và đi lại. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, internet và các phương tiện truyền thông khác, GDTX xóa nhòa khoảng cách về địa lý giữa người học và cơ sở đào tạo. Ngồi tại nhà, một sinh viên vẫn có thể tiếp thu khóa học cách đó hàng ngàn kilômet.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực, hình thức đào tạo GDTX không tránh khỏi những hạn chế. Tính kỷ luật và sự chủ động của người học không phải lúc nào cũng được phát huy cao độ trong hoàn cảnh học viên chủ yếu là những người đang đi làm hoặc là sinh viên tại một trường đại học khác. Thêm vào đó, sự giới hạn thời gian giao tiếp trực tiếp với thầy cô, bạn bè cũng khiến cho nhiều học viên thấy khó khăn trong học tập. Điều này dẫn đến chất lượng đào tạo của GDTX chưa cao. Tại nhiều nơi, GDTX vẫn mang đậm dấu vết của hình thức đào tạo tại chức hay vừa học vừa làm theo kiểu “bình mới rượu cũ”. Nhiều cơ sở đào tạo tỏ ra nóng vội vì mục tiêu lợi nhuận mà bỏ qua các yếu tố đảm bảo chất lượng giáo dục.