Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa ngành nghề đào tạo

10:47, 14/01/2010

Là một trong những trường có uy tín trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp trong cả nước, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) luôn xác định mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm  để nhà trường phát triển nhanh, bền vững, góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

 

Năm qua, nhà trường đã đẩy mạnh việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy với việc hoàn thành chương trình đào tạo đại học 150 tín chỉ, mở các lớp bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy cho hơn 200 cán bộ giảng dạy, biên soạn 33 giáo trình giảng dạy cho các ngành đào tạo. Hiện nay tất cả các lớp ở các khoa trong trường đều đào tạo theo học chế tín chỉ. Năm 2009, nhà trường hoàn thành tốt kế hoạch tuyển sinh với hệ chính quy 2.508 người, hệ đào tạo liên thông 787 người, hệ đào tạo vừa làm vừa học 1.268 người; chất lượng đào tạo sinh viên ngày càng được nâng cao: năm 2006 chỉ có 3% khá giỏi, năm 2009 tỷ lệ sinh viên khá giỏi đạt 18%, tăng 6 lần.

 

Về mở thêm ngành nghề đào tạo, ngoài những ngành nghề đào tạo truyền thống, năm 2009, nhà trường đã mở thêm ngành học kỹ thuật điện của chương trình tiên tiến nhập khẩu từ Hoa Kỳ; tuyển sinh nghiên cứu sinh, cao học; tổ chức bảo vệ luận án tiến sỹ cấp Nhà nước cho 1 nghiên cứu sinh và 77 học viên cao học. Nhà trường cũng đã chú trọng thực  hiện công tác thanh tra, khảo thí, hoàn thành các tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ khảo thí, triển khai phần mền xây dựng ngân hàng câu hỏi cho các bộ môn và cá nhân có đề tài đổi mới phương pháp giảng dạy …

 

Nhằm tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường luôn coi trọng công tác nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế. Tổng số đề tài nghiên cứu khoa học năm 2009 đã thực hiện là 200 đề tài, tăng 76 đề tài so với năm 2008, trong đó có 2 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 28 đề tài cấp Bộ. Nhà trường cũng đã thực hiện chuyển giao 25 chương trình tiến bộ kỹ thuật cho 6 địa phương, tăng 8 chương trình so với năm 2008. Về hợp tác đào tạo, nhà trường đã thực  hiện hợp tác đào tạo với Đại học Sơn Đông (Trung Quốc); cấp học bổng cho 32 lưu học sinh Lào, 17 lưu học sinh Campuchia đến học hệ đại học tại trường. Trong năm, nhà trường cũng đã cử 16 cán bộ đi nghiên cứu sinh, trong đó có 6 người đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài; 44 cán bộ đi học thạc sỹ, trong đó có 4 người đi học tại nước ngoài; nhiều cán bộ, giáo viên tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, học ngoại ngữ trong nước và nước ngoài.

 

Năm 2010, nhà trường cũng đã xác định phấn đấu tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn thành tốt kế hoạch tuyển sinh năm học 2010- 2011 với hệ chính quy đại học tăng từ 5-10%, hệ liên thông tăng 10%, hệ vừa làm vừa học duy trì như năm 2009, học viên cao học 150, nghiên cứu sinh 20; tiếp tục đổi mới công tác thực hành thí nghiệm, duy trì các lớp chương trình tiên tiến thuộc ngành kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật điện, lập đề án mở thêm các ngành đào tạo cao học, tiến sĩ theo kế hoạch đã đề ra trong quy hoạch phát triển nhà trường đến năm 2015; tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước.