Bộ GD&ĐT cho biết, từ năm 2010 bắt đầu triển khai nghiên cứu, xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chương trình giáo dục phổ thông được đổi mới một cách cơ bản theo hướng tích hợp các môn học ở các lớp dưới, phân hóa mạnh hơn ở cấp THPT, tạo cơ hội lựa chọn nội dung học tập nhiều hơn, biến quá trình dạy học thành quá trình tự học có hướng dẫn và hỗ trợ tối ưu của giáo viên ngay trong học tập ở phổ thông, tăng cường hoạt động xã hội của học sinh.
Dựa trên chương trình quốc gia, hướng dẫn thực hiện phù hợp với các vùng, miền khác nhau xây dựng các nội dung giáo dục địa phương phù hợp với nhu cầu và điều kiện của các vùng miền, đặc biệt với học sinh dân tộc thiểu số.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức các đánh giá toàn diện về chương trình và sách giáo khoa ở các năm học tiếp theo để tiếp tục thu thập các ý kiến về chương trình và sách giáo khoa sau một số năm triển khai, từ đó có hướng dẫn điều chỉnh nội dung và cách dạy từng môn một cách phù hợp. Căn cứ vào kết quả đánh giá một số năm với từng sách giáo khoa, nếu có đầy đủ các thông tin về chất lượng kém của một số sách giáo khoa cụ thể, có thể sẽ quyết định viết lại một số cuốn sách giáo khoa.
Được biết, đến năm học 2008-2009, chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới đã được triển khai đại trà 3 vòng ở tiểu học, 4 vòng ở THCS và 1 vòng ở THPT. Sau thời gian triển khai đại trà chương trình và sách giáo khoa mới, đầu năm 2008, Bộ GD&ĐT tổ chức đánh giá chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng trong xã hội. Qua đánh giá cho thấy, chương trình và sách giáo khoa phổ thông nhìn chung đã đảm bảo thực hiện mục tiêu, yêu cầu về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. |