Gần 15.000 tỷ đồng cho trẻ 5 tuổi đi học

08:06, 23/02/2010

- Để phổ cập mầm non 5 tuổi, Nhà nước sẽ rót 14.660 tỷ đồng để xây dựng trường lớp, đào tạo mới tới hơn 22.000 giáo viên, mua thiết bị đồ chơi... Đây là nội dung theo quyết định phê duyệt Đề án Phổ cập Giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 được Chính phủ ban hành ngày 9/2.

 

Trẻ em ở những khu vực khó khăn, mồ côi cha mẹ, bị khuyết tật hoặc cha mẹ thuộc diện hộ nghèo… thì sẽ được hỗ trợ 120.000 đồng mỗi tháng (một năm học 9 tháng) để duy trì bữa ăn trưa tại trường; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học tại các trường mầm non tư thục được nhà nước hỗ trợ một phần học phí.

 

Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ ngân sách để trả lương cho giáo viên mầm non theo thang bảng lương và nâng lương theo định kỳ. Hiện nay, tỉ lệ GV mầm non ngoài biên chế vẫn còn rất lớn.

 

Từ năm 2010 đến 2015, dự án này được đầu tư 14.660 tỷ đồng.

 

Như vậy, sau nhiều năm tranh cãi, bậc học mầm non đã được Nhà nước đầu tư đáng kể trong hệ thống giáo dục quốc dân.

 

Với số tiền gần 15.000 tỷ đồng, dự kiến 9.200 tỷ đồng sẽ được chi để xây dựng mới 11.600 phòng học, đáp ứng đủ phòng học cho các lớp mầm non 5 tuổi; xây dựng mới 1.570.000 m vuông khối phòng chức năng theo "chuẩn". Tất cả các xã khó khăn và các vùng dân tộc đều có trường với quy mô ít nhất 3 lớp ở trung tâm và các điểm lẻ có phòng học được xây kiên cố theo hướng chuẩn hoá.

 

2.200 tỷ đồng dự kiến để mua sắm 39.400 bộ thiết bị, đồ chơi; 39.400 bộ thiết bị nội thất dùng chung cho các lớp mầm non 5 tuổi thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; mua 6.600 bộ đồ chơi ngoài trời và 8.800 bộ thiết bị cho trẻ em làm quen với tin học – ngoại ngữ.

 

Số tiền 2.900 tỷ đồng dự kiến để bồi dưỡng chuẩn hóa 11.300 giáo viên từ sơ cấp lên trung cấp sư phạm mầm non; đào tạo mới 11.100 giáo viên đạt trình độ cao đẳng sư phạm mầm non; hỗ trợ ăn trưa cho 394.000 trẻ em/năm cho trẻ em 5 tuổi vùng núi cao, biên giới, trẻ em gia đình nghèo.

 

360 tỷ đồng còn lại dự kiến xây dựng 86 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 cho 86 huyện khó khăn làm mô hình mẫu, tập huấn chuyên môn cho các xã.

 

Trên báo Giáo dục và Thời đại, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, mục tiêu của đề án này là nhằm xây dựng các trường mầm non công lập kiên cố, đạt chuẩn, bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi được đến trường, được chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học.

 

Trong đó, tăng cường hỗ trợ các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới.

 

Đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, Nhà nước tổ chức các trường lớp mầm non công lập và đảm bảo 100% kinh phí từ ngân sách để chi thường xuyên, bố trí đủ GV để chăm sóc trẻ.

 

Với các vùng nông thôn, Nhà nước tổ chức các trường, lớp mầm non công lập tự chủ một phần kinh phí hoạt động và bảo đảm từ 75 - 80% kinh phí từ ngân sách để chi thường xuyên, phần còn lại huy động sự đóng góp của cha mẹ trẻ.

 

Sắp tới, Bộ GD - ĐT sẽ ban hành và hướng dẫn sử dụng bộ Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi.

 

Việc phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi nhằm mục tiêu chuẩn bị tốt nhất cho trẻ vào lớp 1, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, chuẩn bị tốt về mặt tri thức, kỹ năng, thể lực… cho trẻ vững bước vào cấp học tiếp theo.