Gia đình khó khăn, quê xa hay muốn tranh thủ thời gian nghỉ Tết để tính đường tương lai, nhiều sinh viên ở lại Sài Gòn ăn Tết. Dù thế, trong mỗi bạn trẻ luôn nhớ về một không khí xuân ấm áp bên gia đình.
Gia đình khó khăn, quê xa hay muốn tranh thủ thời gian nghỉ Tết để tính đường tương lai, nhiều sinh viên ở lại Sài Gòn ăn Tết. Dù thế, trong mỗi bạn trẻ luôn nhớ về một không khí xuân ấm áp bên gia đình.
Hai năm liền, cô sinh viên năm thứ ba khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm TP HCM Nguyễn Hồng Nhung phải đón Tết xa nhà. Quê ở một huyện miền núi tỉnh Hòa Bình, gia đình lại khó khăn nên việc kiếm được chiếc vé tàu về Tết cũng là... xa xỉ. Lấp vào nỗi buồn xa nhà, Hồng Nhung tìm nhiều việc trong những ngày Tết để... có không khí xuân cùng mọi người xung quanh.
"Hằng ngày em cùng một số bạn trong ký túc xá đi gói bánh chưng thuê, rửa lá cho chủ gói bánh. Tiền công được trả 80.000 đồng. Nhưng công việc này chỉ kéo dài đến 29 Tết, nên em kiếm thêm một "chân" xé vé trò chơi trong công viên Đầm Sen từ mùng 1 đến mùng 8. Thế là qua một cái Tết", giọng nói của Nhung lộ vẻ hồ hởi dù đôi mắt đâu đó vẫn phảng phất chút buồn.
Trong KTX Hồng Nhung đang ở cũng còn gần 100 sinh viên ở lại. Các bạn trẻ cho biết, sự đồng cảnh ngộ khiến mọi người xích gần nhau hơn, san sẻ và động viên nhau cố gắng. Một bạn trong nhóm cho biết: "Tụi em bàn nhau nấu bánh chưng, khoảng 200 cái. Phần để liên hoan, phần để đi biếu cô, thầy".
Dù thế, cảm giác ấm áp trong đêm giao thừa khi được quây quần bên mâm cơm có ba, có mẹ, có anh chị em vẫn không sao khỏa lấp được. Bạn Minh Đức, sinh viên ĐH Văn Lang tâm sự: "Nhiều đêm giao thừa, sau khi cười hả hê, cả đám bỗng lặng thinh, ngồi nhìn nhau không nói nên lời. Truyền hình thì chiếu rực pháo hoa mà đứa nào cũng như muốn rơi nước mắt".
Ngày 9/2, trung tâm hỗ trợ sinh viên đã tổ chức chương trình "Xa nhà vui tết" cho gần 1.000 bạn trẻ. Tại đây, các bạn sinh viên có một buổi giao lưu vui chơi, liên hoan văn nghệ cùng các ca sĩ và ăn tiệc buffet.
Thẳng thắn hơn, bạn Việt Hùng, sinh viên ĐH Thể dục thể thao cho biết: "Nghĩ đến đoạn đường dài mất 2 ngày 2 đêm, về nhà ăn với ba mẹ được 2, 3 bữa cơm rồi lại khăn gói lên đường. Tiền xe thì mắc không thể tả. Thôi thì cố gắng hoàn thành xong nhiệm vụ học hành rồi về quê luôn thể". Hiện Hùng là sinh viên năm cuối và từ lúc vào Sài Gòn trọ học, chàng trai chưa một lần về Tuyên Quang đón Tết cùng người thân.
Không gặp khó khăn, nhưng nhiều sinh viên cũng chủ động ở lại Sài Gòn dịp Tết. Nguyễn Nhỏ, sinh viên năm nhất ĐH Mỹ thuật TP HCM, quê ở Quảng
"Viết thư pháp đã là đam mê từ nhỏ của em. Năm nay vào Sài Gòn, biết có tổ chức con đường thư pháp nên em ở lại luôn. Em muốn thử cảm giác ăn tết xa nhà một lần xem thế nào. Nhưng quan trọng hơn, không dễ gì có dịp này, em có thể giao lưu với nhiều bạn bè cùng đam mê với mình. Em nghĩ mình sẽ học thêm nhiều "bí kíp" cho việc làm sách thư pháp - kế hoạch mà em đặt ra trong hè năm tới phải hoàn thành", cậu sinh viên vui vẻ, nói.
Còn bạn Trung Duy, sinh viên năm cuối ĐH Kinh tế cho biết: "Tôi muốn tận dụng tối đa thời gian trong năm để có kết quả tốt. Vừa thi xong học kỳ, tôi nhờ người quen xin một chân kế toán cho công ty, rồi nhận làm thêm sổ sách ở nhà. Coi như hình thức luyện cho mình tay nghề vững trước khi ra trường".
Tuy thế, với Nhỏ, Duy hay những người cùng cảnh ngộ thì không đâu vui bằng đón Tết tại quê nhà. "Cũng có chút chạnh lòng khi nghĩ về gia đình. Nhưng tôi tin, ba mẹ sẽ ủng hộ. Trước Tết, tôi kịp gởi về chút quà cho ông bà, thể hiện phần nào mong muốn đóng góp không khí xuân của đứa con cho gia đình", Duy nói.