Đưa giáo dục phòng, chống tham nhũng vào trường học: Phòng ngừa từ nhận thức

11:00, 15/03/2010

Tháng 12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 137 phê duyệt đề án "Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng". Đây là một trong những biện pháp quan trọng trong công tác phòng ngừa và phát hiện tham nhũng, đồng thời thể hiện quyết tâm tạo thế trận rộng khắp chống lại "quốc nạn" này.

 

Mặc dù có thể khẳng định công tác PCTN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, nhưng Chính phủ cũng thừa nhận còn những hạn chế, bất cập. Bất cập đầu tiên là việc phát huy vai trò của xã hội trong phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Mà nguyên do là vì hiểu biết của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về hậu quả của tham nhũng cũng như đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này chưa sâu. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của một diện nhỏ chứ chưa được tiến hành sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.

 

Thực tế, việc giáo dục nội dung PCTN ở nước ta chưa được đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng để giảng dạy, học tập thường xuyên trong các nhà trường. Theo đánh giá của các chuyên gia Thanh tra Chính phủ (TTCP), Bộ

 

Giáo dục và Đào tạo, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh... thì ngay cả ở các trường ĐH chuyên ngành về luật và các trường cán bộ quản lý, mặc dù có trong chương trình đào tạo, song nội dung này còn đơn giản, thường chỉ được lồng ghép như một phần nhỏ trong các môn học chính khóa khác. Đó là chưa kể việc tổ chức giảng dạy, học tập về nội dung này còn thiếu bài bản và hệ thống... Trong khi đó, với công tác PCTN, phương châm thực hiện được Đảng và Nhà nước nhận định là phải vừa tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh, trong đó phòng ngừa là cơ bản. Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân về PCTN là một giải pháp phòng ngừa rất quan trọng.

 

Với đề án "Đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng", việc giáo dục về PCTN sẽ được đưa vào nội dung chương trình giảng dạy từ bậc trung học phổ thông, các trường ĐH, CĐ, trung cấp cho đến các trường hành chính, quản lý nghiệp vụ thuộc tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước và các trường thuộc lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội. Mục tiêu được Chính phủ đề ra là phấn đấu đến hết năm 2011, cả nước phải thực hiện xong việc đưa nội dung về PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Đây là một cái đích khá gần, vì vậy việc xây dựng nội dung, chương trình giáo dục phải khẩn trương, song phải bảo đảm về chất lượng, phù hợp với từng đối tượng. Chính phủ cũng cho phép các cơ quan chức năng vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

 

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng yêu cầu cao nhất của đề án vẫn là phải có hiệu quả. Đề án đã được xây dựng khá chi tiết về nội dung, tăng cường năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên cũng như điều kiện vật chất, nghiên cứu, thông tin giáo dục phục vụ việc giảng dạy về PCTN. Từ nay đến hết năm 2010, các nội dung chương trình, tài liệu giảng dạy cũng như đội ngũ giáo viên phải được chuẩn bị đầy đủ để có thể tổ chức thực hiện thí điểm việc giảng dạy về PCTN tại một số trường, tiến tới hoàn thiện nội dung vào cuối năm 2011. Riêng đối với các trường trung học phổ thông, Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT phối hợp với TTCP cụ thể hóa nội dung, thời gian giảng dạy để đưa vào chương trình...

 

Về tổng thể, đề án trên đã được giao cho TTCP chủ trì, theo dõi, đôn đốc thực hiện. Thông báo mới nhất (tháng 3-2010) của TTCP một lần nữa khẳng định, đây cũng là một trong những nội dung đã và đang được triển khai khẩn trương, nằm trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng... Là mặt công tác quan trọng và lâu dài, việc đưa các nội dung về PCTN vào giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng được hết sức quan tâm. Nếu thực hiện hiệu quả, thế trận phòng ngừa tham nhũng sẽ dần hình thành, sâu và rộng khắp.