Gieo chữ trên bản Mông

08:31, 29/03/2010

Từ trung tâm xã, vượt qua 10 km đường đất đá lởm chởm mới đến được xóm Lân Thùng, xã Phương Giao (Võ Nhai). Lân Thùng là xóm cuối cùng của xã, giáp danh với huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) với  52 gia đình người Mông sinh sống. Người Mông Lân Thùng chủ yếu phát nương rẫy trồng ngô. Ngô là nguồn lương thực của người dân Lân Thùng. Bấy lâu nay, đồng bào cư trú ở đây đã chịu khổ nhiều vì thiếu chữ, nhưng nay con em của họ đã được đến trường.

 

Nằm gọn giữa bản Mông, Phân trường Lân Thùng thuộc Trường Tiểu học Xuất Tác, có 5 lớp nhưng chỉ có 42 học sinh. Trong đó lớp 1 có 6 học sinh và lớp 5 có 4 học sinh, còn 32 em 3 lớp còn lại. Trình độ nhận thức của các em ở đây rất chậm, hầu hết ở lớp 1 các thầy cô giáo vẫn phải là dạy tiếng phổ thông là chủ yếu. Tỷ lệ học sinh lưu ban hầu hết ở Phân trường này. Năm học 2008-2009, toàn trường có 7 học sinh bị lưu ban thì Phân trường này chiếm tới 5 em. Tôi muốn đến gần các em để làm quen nhưng các em ở đây vốn rất ít khi được tiếp xúc với người lạ nên rất khó tiếp cận. Tôi đành tìm đến lớp 5 với hy vọng các em lớn hơn sẽ mạnh dạn hơn, nhưng các em đều tìm cách “lẩn tránh”. Nhờ sự giúp đỡ của cô Hoàng Thị Hồng Nhung, Chủ nhiệm lớp, cuối cùng tôi cũng có thể làm quen với Lý Thị Hoa và Ngô Thị Lan. Qua những lời hỏi, đáp ngập ngừng, ngắt quãng, tôi biết rằng được đi học các em rất thích, ở nhà bố mẹ các em đều phải làm việc rất vất vả. Hoa muốn sau này trở thành cô giáo cô Nhung; Lan thì muốn làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người trong xóm mình.

  

Cô Nhung tâm sự: “Các em rất ngoan và khá chăm chỉ nhưng do nhận thức chậm, lại thêm sự rụt rè nên dù không hiểu bài cũng không dám hỏi lại nữa. Có những bài khó, chúng tôi phải giảng đi giảng lại mấy lần các em mới hiểu. Hơn nữa, ngoài giờ học, các em còn phải giúp đỡ gia đình làm việc nhà như trồng ngô, chăn bò… Vào mùa vụ, có lần phụ huynh đến gặp chúng tôi xin cho con nghỉ học 1, 2 buổi để phụ giúp gia đình. Một khó khăn nữa đó là không có điện sinh hoạt nên cả cô và trò đều “mù thông tin”. Đây cũng là thiệt thòi rất lớn cho các em”.  Được biết, cô Nhung lên Phân trường này dạy học năm nay là năm thứ 3. Hiện cô đang dạy lớp 5 với 4 học sinh, vậy mà vào lớp, tôi cứ ngỡ cô đang dạy học sinh lớp 2 hoặc lớp 3 bởi các em bé hơn so với tuổi rất nhiều. Các giáo viên cho biết, khổ nhất ở đây là chuyện nước sinh hoạt. Hàng ngày, các cô phải đi khoảng 2 km, mùa khô có khi phải đi xe máy tới 4 km mới lấy được nước mang về dùng. Chợ thì cách xa 25 km nên hai ngày nghỉ cuối tuần, các cô được về với gia đình, trước lúc lên trường lại phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm khô mang lên để dùng cho cả tuần…

 

Chia tay Lân Thùng, chúng tôi ngược về thăm Trường tiểu học Xuất Tác, học sinh chủ yếu là người dân tộc Mông, Dao. Việc dạy học cho các em cũng khó khăn không kém ở Phân trường là mấy. Năm 2007, tuy đường đã mở rộng nhưng vì địa hình chủ yếu là đường đất, đồi núi cao nên cứ đến mùa mưa lũ thì lại lở đất, tắc đường. Việc đi lại hết sức khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc học tập của học sinh. Từ đây, con em dân tộc ở khu vực này nếu muốn học tiếp bậc Trung học cơ sở (THCS) phải đi thêm hơn 4 km nữa mới đến Trường THCS Phương Giao. Trước thực tế đó, từ năm học 2008 - 2009, Trường Tiểu học Xuất Tác đã “tăng bo” trở thành trường đa cấp để học sinh THCS đến trường thuận lợi hơn. Từ đo, Trường có tên mới là Trường Tiểu học – THCS Xuất Tác. Đến năm học 2009 - 2010 này, Trường đã có hai lớp 6 và hai lớp 7 với 116 học sinh.

 

Cô Nguyễn Thị Hà, Phó Hiệu trưởng, phụ trách khối Tiểu học Nhà trường cho biết: Trước những năm 2000, số lượng trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi đi học không được đến Trường chiếm tới 30%. Một phần do tâm lý của người dân tộc vùng núi cao chưa coi trọng việc học hành của con cái, phần cũng vì giao thông đi lại quá khó khăn. Trước thực trạng đó, các cô giáo phải đề xuất ý kiến tại các cuộc họp của xóm, rồi đi đến từng nhà để tuyên truyền, vận động, giải thích cho các bậc phụ huynh thấy được các lợi của việc đưa con đến trường. Từ những việc làm đó, trong mấy năm gần đây, số em trong độ tuổi đi học được đến trường đã đạt 100 %, trong đó có  cả những sinh khuyết tật. Mặt bằng nhận thức của các em tuy còn thấp, nhiều em chưa nói được tiếng phổ thông nhưng khi đến trường các em đã có sự tiến bộ. Bình quân mỗi giáo viên tiểu học phải dạy tới 28-29 tiết một tuần. Mặt khác, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của các giáo viên nơi đây còn rất nhiều khó khăn do chưa có chợ, chưa có điện, chưa có sóng điện thoại, giao thông khó khăn… Nếu thầy cô nào không kiên trì, yêu nghề mến trẻ thì rất khó có thể gắn bó lâu dài với nơi này được.

 

Năm học 2007-2008, Trường Tiểu học - THCS Xuất Tác đạt chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ. Năm học 2008-2009, vươn lên trở thành Trường tiên tiến với tỷ lệ 25% học sinh đạt giỏi, 30% học sinh đạt học lực khá. Với những thành tích trên, Nhà trường đã được Phòng Giáo dục tặng Giấy khen, khích lê tinh thần vượt khó, những cố gắng của các thầy cô nơi đây.

Đến với Xuất Tác, Lân Thùng xa xôi, chúng tôi càng cảm thông những vất vả và trân trọng, cảm phục tấm lòng của các thầy, cô giáo nơi này. Không chỉ mang cái chữ đến với con em các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, mà các thầy cô còn đem đến cả niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho các em…