Sinh viên nước ngoài ở Thái Nguyên

11:32, 16/03/2010

Từ nhiều quốc gia khác nhau: Trung Quốc, Lào họ đã lựa chọn mảnh đất Thái Nguyên để trau dồi kiến thức. Đó là những sinh viên nước ngoài đang theo học tại các trường thuộc Đại học Thái Nguyên, với những sinh viên này Thái Nguyên đã trở thành mảnh đất gắn bó nhiều kỷ niệm…

 

Khi trò chuyện với chúng tôi về lý do sang Việt Nam du học, Triệu Dương Linh, cô gái của T.P Quế Lâm (Trung Quốc) đã hồn nhiên cho biết: Tôi chọn học môn tiếng Việt, vì đơn giản là tôi yêu Việt Nam.

 

Triệu Dương Linh sinh năm 1989, sinh viên (SV) Học viện Nghề Hà Trì (Trung Quốc). Sau khi nhậm học, Linh cũng như nhiều SV khác ở Khoa Ngoại ngữ tiếng Việt của Học viện đã đăng ký sang du học tại Việt Nam. Qua giới thiệu của Học viện, các em đã lựa chọn, đăng ký theo học tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Khoá học của Linh có 29 SV, chủ yếu là con em nghèo người dân tộc Hán, Choang, Giáo... thuộc các tỉnh, thành của Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc). Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bình, chuyên viên Phòng Quản lý Khoa học & Quan hệ Quốc tế (Trường Đại học Sư phạm) cho biết: Từ năm học 2007-2008 đến nay, Nhà trường đã mở liên kết đào tạo với  Học viện Ngoại ngữ Đông Phương; Học viện Nghề T.P Quảng Tây; Học viện Nghề Hà Trì và Học viện Sư phạm Quảng Tây (Trung Quốc). Khác với Việt Nam, các học viện này có thời gian đào tạo là 3 năm, khi SV tốt nghiệp ra trường được Học viện cấp bằng cử nhân. Với mô hình liên kết đào tạo 2+1 (2 năm học ở Trung Quốc và 1 năm học ở Việt Nam), đến nay Nhà trường đã thực hiện được 3 khoá đào tạo, với tổng số 94 SV, trong đó có 65 SV 2 khoá đầu đã tốt nghiệp trở về Trung Quốc, còn lại 29 SV mới tuyển trong năm học 2009-2010. Trong chương trình liên kết đào tạo này, Nhà trường cũng đã cử 15 SV sang Học viện Sư phạm Quảng Tây tu học, với mô hình liên kết đào tạo 2+2 (2 năm đầu học tại Việt Nam, 2 năm cuối học tại Trung Quốc).

 

Để hiểu thêm về cuộc sống của sinh viên người Trung Quốc đang theo học tại Trường, ông Lê Minh Đức, Chánh Văn phòng Ký túc xá (KTX) SV đưa chúng tôi đi thăm nơi ăn, ở, học tập của các bạn SV người nước ngoài. Đó là ngôi nhà 3 tầng. Ngoài hơn 30 SV người Trung Quốc đang ở, trong đó có 2 nữ sinh hệ cao học, chuyên ngành tiếng Việt là Mã A Lệ, giảng viên Học viện Văn Sơn (Vân Nam) và Lục Tuyết Mai, giáo viên Học viện Sư phạm Quảng Tây còn có 4 SV người Lào là Sỉăm Phon Kẹo Luông Lạt; Liên Vông Phạ Chăn học cử nhân Hoá học và Bun Chăn Peng Thon Xay; Xổm Mạ Ny Păn Thạ Vông học cử nhân Toán học. Tuy đã hết Tết, nhưng không khí xuân mới năm con hổ còn vương vấn trong KTX. Những SV như Quách Văn Tú (Quế Lâm), Lưu Thái Phượng (Hà Trì), Lăng Lợi (Liễu Châu), Trần Tiêu Vũ (Hà Trì)... được về nước ăn Tết còn mang theo kẹo, bánh và một số đặc sản từ quê hương làm quà cho bạn ở lại. Nhưng khi trở lại Trường, có bạn tỏ vẻ tiếc nuối vì đã không ở lại Việt Nam ăn Tết. Hoàng Lộ Tư tự hào: Gia đình tôi ở Cảng Phòng Thành, giáp tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam. Bố mẹ làm nghề đi biển, cuộc sống trong nhà chưa dư dả nhưng bố mẹ tôi gắng tằn tiện để cho tôi đến Việt Nam học tiếng. Đây là lần đầu tiên tôi ăn Tết xa nhà, xa bố mẹ nhưng rất vui. Đêm giao thừa chúng tôi xem truyền hình cũng biết ở Trung Quốc, mọi người đổ ra đường đón xuân mới, vui lắm. Cũng đêm giao thừa, những sinh viên ở lại đã gọi điện về nước chúc Tết bố mẹ, người thân, hoặc vào mạng "chát" về...

 

Ở lại ăn Tết SV cùng Hoàng lộ Tư còn có các bạn Lương Hảo, Lư Hải Minh, Lý Khoa Lương và Liêm Triều Phú... Để vơi nỗi nhớ quê, các bạn đã dành một phòng trong KTX cùng tập trung đón xuân. Được cái không khí Tết Việt Nam cũng na ná như không khí tết của người Trung Quốc, cũng nâng chén chúc mừng một năm mới hỉ nộ, đại cát... và trên bàn với đầy những bánh, mứt, hoa quả và trên tường nhà thường có câu đối đỏ. Nông Dịch, chàng trai người dân tộc Choang (Quảng Đông) đã líu ríu giải thích cho chúng tôi hiểu nội dung đôi câu hồng đối bằng chữ Hán. Nông Dịch bảo, chữ này phải đọc từ phải sang, từ trên xuống... tạm dịch là: “Tân xuân đại cát hồng vận khởi”-“Giai nam thuận cảnh tài nguồn đến”. Tuy đã học Khoa tiếng Việt tại Học viện Nghề T.P Quảng Tây 2 năm, sau đó mới sang Việt Nam, song Nông Dịch cũng như hầu hết những SV Trung Quốc còn ngọng líu ríu, luôn bí từ khi trò chuyện.

 

Ngay trong phòng ở số 204, tầng 2 của KTX, câu chuyện ăn Tết ùa về, hồn nhiên của lứa tuổi hai mươi. Mỗi người một câu, Hoàng Văn Tư kể: Từ hôm 27 Tết chúng tôi được Nhà trường tổ chức cho ăn Tết; Liêm Triều Phú khoe: Mỗi SV được Nhà trường lì xì cho phong bao 500 nghìn Việt Nam đồng; Lý Khoa Lương bổ sung thêm: Ngoài số tiền đó, Khoa Văn còn lì xì cho mỗi người 1 hồng bao bên trong có 100 nghìn Việt Nam đồng. Lý Khoa Lương thì nói: Hôm mùng 3 Tết, thầy giáo Đặng Quyết Tiến và cô giáo Nguyễn Thị Nhung, Khoa Văn còn đến đón chúng tôi về nhà đón xuân, ăn bánh chưng, uống rượu vang. Cũng trong Tết, chúng tôi tự thuê xe lên Hồ Núi Cốc thăm quan... Chúng tôi đã có một cái Tết ở Việt Nam thật sự có ý nghĩa.

 

So với SV Việt Nam theo học tại Trường Đại học Sư phạm, các SV ngoại quốc có phần được ưu tiên hơn, như mỗi phòng trong KTX chỉ có từ 4 đến 6 SV ở; chăn, màn, đệm, tủ đựng tư trang đều được Nhà trường trang bị. Đặc biệt là an ninh cũng được bảo đảm an toàn. Ông Lê Minh Đức có nhận xét: SV người Trung Quốc rất chăm chỉ học tập, họ đoàn kết và sống giản dị, chân thành, cởi mở. Tuy còn đang ngồi trên ghế Nhà trường, nhưng họ luôn tìm kiếm cơ hội làm thêm bên ngoài để tăng thu nhập và được tiếp xúc thực tế. 2 khoá trước đây, sau khi tốt nghiệp về nước, đã có khoảng trên 20 người làm thủ tục trở lại Việt Nam để kinh doanh buôn bán quần áo, giày dép... tại T.P Thái Nguyên, Hà Nội và một số thành phố lớn.

 

Bẽn lẽn mãi rồi Hoàng Lộ Tư, Triệu Dương Linh, 2 SV nói tiếng Việt khá thuần thục cũng lên tiếng: Ông thấy ở đâu cần người phiên dịch tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt hoặc ngược lại, ông giới thiệu giúp cho chúng tôi đi làm. Còn La Thu Phương, người dân tộc Choang: Học tiếng Việt khó lắm, nhất là ngữ pháp. Song chúng tôi quyết tâm học để sau này trở thành người phiên dịch, hoặc giúp các doanh nghiệp Trung Quốc có hợp tác làm ăn với Việt Nam, vì tôi yêu đất nước các bạn-các bạn là người Việt Nam.