Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên về “đích” trước kế hoạch

09:18, 14/04/2010

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng, Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành Giáo dục đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2005-2010. Khi bước vào thực hiện Đề án, tỷ lệ giáo viên dưới chuẩn còn cao, trên chuẩn thấp, nhưng đến thời điểm này, bằng sự nỗ lực của toàn ngành, mục tiêu đề ra đã về “đích” trước kế hoạch.

 

Khi bắt đầu thực hiện Đề án, tỷ lệ giáo viên dưới chuẩn ở các bậc học của tỉnh ta còn khá cao, điển hình là ở hệ mầm non có 133 giáo viên, chiếm 5,71%, tiếp đến là THPT 3,44%, tiểu học 1,30% và thấp nhất là THCS 1,27%. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn không cao: mầm non 5,75%, THPT 4,92%... Theo mục tiêu của Đề án thì đến hết năm 2010, 100% giáo viên ở các cấp học, bậc học đều đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ trên chuẩn của mầm non là 20%, tiểu học 45%, THCS 40%, THPT 10-12%. 100% các nhà giáo được bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ để cập nhật những kiến thức chuyên môn mới, 100% cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Có thể nói mục tiêu được đề ra trong Đề án là tương đối cao. Tuy nhiên, đó cũng là yêu cầu bắt buộc và là giải pháp then chốt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

 

Để thực hiện được mục tiêu này, ngành Giáo dục đã đề ra nhiều giải pháp khả thi. Theo đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Sở GD & ĐT: “Ngành đã phân chia giai đoạn để thực hiện. Cụ thể giai đoạn 1 từ 2005-2006, tập trung khảo sát đánh giá, phân loại, thống kê chất lượng đội ngũ để triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện trong toàn ngành. Ngay sau khi có quyết định phê duyệt Đề án của UBND tỉnh, Sở GD & ĐT đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các phòng GD & ĐT, các đơn vị trong toàn ngành căn cứ vào điều kiện cụ thể của nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện. Giai đoạn 2007-2010 là giai đoạn tập trung thực hiện kế hoạch để đến năm 2010 đạt được mục tiêu cụ thể”. Các nhà trường đã tích cực động viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp cho cán bộ, giáo viên đi học để đạt chuẩn và nâng chuẩn. Cùng với đó, việc triển khai các chính sách hỗ trợ giáo viên đi học theo quy định của Nhà nước (thạc sĩ hỗ trợ 8 triệu đồng; tiến sĩ hỗ trợ 12 triệu đồng) được các cơ sở thực hiện nghiêm túc. Nhiều trường sau khi thực hiện tự chủ tài chính còn hỗ trợ mức cao hơn quy định như THPT Lương Phú, Bình Yên, Võ Nhai… hỗ trợ 10 triệu đồng/ giáo viên đi học thạc sĩ. Cùng với đó, theo văn bản chỉ đạo của Bộ GD & ĐT, nếu giáo viên đi học 3 tháng trở lên không được hưởng phụ cấp ưu đãi, nhưng theo điều kiện cụ thể của địa phương, ngành Giáo dục đã tham mưu cho tỉnh thực hiện phương án nếu giáo viên giảng 1/3 trên tổng số giờ dạy vẫn được hưởng số tiền này. Vì thế đã tạo điều kiện cho giáo viên đi học giảm bớt khó khăn. Mặt khác, có một thuận lợi lớn cho việc thực hiện Đề án này, đó là Thái Nguyên là trung tâm giáo dục lớn đứng thứ 3 của cả nước sau Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh, với nhiều cơ sở đào tạo về giáo viên, vì thế, đội ngũ cán bộ, giáo viên đi học rất thuận tiện.

 

Tìm hiểu tại cơ sở, chúng tôi được cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Lãng (Đại Từ) cho biết: “Mặc dù trường tôi là bán công, thu nhập của giáo viên hợp đồng rất thấp, chưa tới 1 triệu đồng/tháng, song Nhà trường đã tích cực động viên, tạo điều kiện về thời gian cho giáo viên đi học nâng cao trình độ. Hiện trong số 23 cán bộ, giáo viên, 100% đã đạt chuẩn, 4/23 đồng chí đạt trên chuẩn. Nhà trường hiện có 12 giáo viên đang đi học cao đẳng, đại học, 3 cô giáo đang xin đi học”. Được biết, Đại Từ có số trường mầm non bán công tương đối cao, 22/33 trường. Thu nhập và đời sống của cán bộ, giáo viên khu vực này còn nhiều khó khăn, song bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp, các cô giáo đã tích cực học tập để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Lê Quang Trung, Trưởng phòng GD & ĐT huyện đưa ra thông tin rất vui: “100% cán bộ, giáo viên, nhân viên ở 22 trường mầm non bán công đều đạt chuẩn đào tạo của bậc học, trong đó gần 30% trên chuẩn”.

 

Cùng với việc tích cực đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch, quy hoạch, ngành Giáo dục còn chú trọng đến việc cân đối về đội ngũ như: Quan tâm tuyển dụng giáo viên các môn học còn thiếu như âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, giáo dục quốc phòng… Triển khai thực hiện tốt Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Các phòng Giáo dục tham mưu cho UBND cấp huyện không tuyển dụng giáo viên ở các môn học đang thừa, chờ khi có giáo viên nghỉ hưu để điều chỉnh dần số lượng, tuyển bổ sung giáo viên các môn học còn thiếu, luân chuyển, điều động giáo viên ở nơi thừa đến nơi thiếu… Do vậy, từ chỗ thời điểm năm 2004, ngành Giáo dục mất cân đối về cơ cấu giáo viên theo môn học, thiếu giáo viên cục bộ theo vùng, miền khá trầm trọng, nhất là ở bậc tiểu học, THCS, sau một thời gian ngắn tình trạng này đã được khắc phục. Đến nay, ngành đã có đủ giáo viên theo định mức quy định: tiểu học 1,5 giáo viên/lớp, THCS 1,9 giáo viên/lớp và THPT 2,25 giáo viên/lớp.

 

Với các giải pháp đồng bộ của ngành Giáo dục, sự vào cuộc nhiệt tình của các nhà trường, đặc biệt là cá nhân mỗi cán bộ, giáo viên đã tự ý thức được việc học tập nâng cao trình độ chính là nhu cầu thiết thân, 5 năm qua số cán bộ, giáo viên đi học để đạt chuẩn và nâng chuẩn là rất cao. Hết năm 2009, 100% giáo viên các cấp học, bậc học trong toàn tỉnh đã đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn ở bậc học mầm non là 40,72%, THCS 54,15%, THPT 11,50%, tiểu học 76,23%. Đây chính là giải pháp quan trọng có tính đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Việc thực hiện hiệu quả Đề án này là cơ sở để ngành Giáo dục Thái Nguyên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của từng năm học, luôn dẫn đầu khối thi đua 15 tỉnh, thành phía Bắc. Đó cũng là cơ sở để ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao trong giai đoạn tới, sau khi Bộ GD & ĐT đã ban hành quy định về chuẩn nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên ở các cấp học, bậc học.