Sau khi học cả một chặng đường lịch sử dài về Đảng cộng sản Việt Nam, giải nhất môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2010 rút ra câu nói "made in Đức": “Tạo lực, lập thế, tranh thời”.
Không giống như nhiều học sinh “sợ” môn Sử nhiều chữ, lắm sự kiện lại thêm cái “khổ” phải học thuộc lòng, giải nhất môn Lịch sử cuả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2010 Dương Việt Đức lại tìm thấy điều độc đáo trong môn học này, đó là những kỹ năng sống mà các ban trẻ ngày nay đang cố gắng rèn luyện.
“Tạo lực, lập thế, tranh thời"
Cậu học trò Dương Việt Đức, lớp 12S, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) đã dành cho môn học này niềm đam mê mãnh liệt từ khi mới học lớp 9. Em bén duyên với môn học này khi bước vào kỳ thi học sinh giỏi thành phố môn Lịch sử.
“Càng học, em càng thấy hấp dẫn, và cứ thế bị cuốn vào nó, say mê nó. Môn sử tưởng như rất khô khan, khó nhớ nhưng em lại thấy nó rất lôgic. Đặc biệt, sử không chỉ kể với ta biết những câu chuyện của quá khứ mà còn cho ta những bài học về cuộc sống và tương lai”.
Thật thú vị khi một môn học về quá khứ lại là nơi cậu học sinh giỏi này tìm thấy những kỹ năng sống cần thiết cho hôm nay. Vậy Đức đã tìm những lợi ích hiện đại ấy như thế nào?
Em nói: Em rút ra được rất nhiều bài học cho bản thân sau mỗi lần nghiên cứu, nghiền ngẫm kỹ lưỡng một vấn đề, một giai đoạn lịch sử. Và cũng từ những hiểu biết sâu sắc ấy, qua bộ não xử lý linh hoạt của em, đã loé sáng những bài học bổ ích.
Đó là khi học xong về Cách Mạng Tháng 8, bài học lịch sử quan trọng để lại là chớp thời cơ và chuẩn bị lâu dài. Đức đã vận dụng ngay cho việc học tập của mình: “Việc học cũng cần chớp thời cơ, chớp thời cơ lên bảng, thời cơ để ghi điểm. Cách mạng nổ ra sau 15 năm chuẩn bị. Nghĩ lại, em thấy việc học cũng phải lâu dài, kiên trì bám đuổi.”
Và thật đặc biệt khi cậu học sinh sắc sảo này đã tự đúc kết cho mình một câu nói mà em tiết lộ rằng, sau khi học cả một chặng đường lịch sử dài về Đảng cộng sản Việt
Nó đã trở thành câu nói “made in Đức”: “Tạo lực, lập thế, tranh thời”.
Em cho biết: đó chính là tự tạo tiềm lực của chính mình, xác lập một vị thế nhất định, chớp thời cơ để phát huy tất cả những gì tốt nhất mình đã chuẩn bị.
Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa rồi, bài học này đã được em vận dụng để đi đến thành công. Đức đã dày công chuẩn bị một thời gian dài, với những mục tiêu cụ thể trước mắt được đặt ra cho từng vòng thi và không quên mục tiêu lâu dài là giành cơ hội so tài ở kỳ thi quốc gia.
Với em, đã xác định làm gì có nghĩa là cố gắng hết sức để thực hiện. Mỗi một kế hoạch đặt ra được hoàn thành là động lực thúc đẩy em tự tin khẳng định mình ở thách thức lớn nhất.
Không chỉ là những bài học cuộc sống, em còn chia sẻ: môn Sử nói với em cảm xúc sâu sắc về nguồn cội, để tự hào, để sống cho tương lai. Em cảm thấy mình là một phần, một bộ phận tiếp nối của dòng chảy đó.
Và từ đó, cậu học trò của thế hệ 9X nuôi dưỡng khát vọng cần phải làm gì đó cho xứng đáng với thế hệ đi trước.
Sách giáo khoa là bảo bối
Với Đức, tự học chính là cách học quan trọng nhất để em có được một kết quả như hôm nay. Và không như nhiều người vẫn nghĩ với một kỳ thi lớn, việc đọc sách Đông Tây kim cổ là quan trọng thì với Đức, em chọn sách giáo khoa là tài liệu “bảo bối” cho mình.
Đức cho rằng, với hàng trăm trang sách giáo khoa, em hãy học hết những kiến thức trong đó đã. Theo em, cách nhìn nhận, cách hiểu vấn đề đến đâu, như thế nào quan trọng hơn là đi tìm và đọc nhiều tài liệu, biết nhiều sự kiện. Và những gì sách giáo khoa mang đến là đủ.
Đức chia sẻ bí quyết tự học của mình: giống như việc phải cầm được một cây bút trong tay rồi mới học cách viết, trước hết em xác định cần nắm rõ kiến thức, và từ đó sẽ xâu chuỗi với nhau xem có chung vấn đề gì hoặc sắp xếp theo khung sườn của bài học, phân tích bài thành từng nội dung nhỏ hơn.
Từ đó, em mới tìm hiểu sâu, phân tích kỹ cho từng nội dung của bài học. Những dàn ý cụ thể cho từng bài và thói quen so sánh các giai đoạn lịch sử làm kiến thức trở nên dễ nhớ, dễ hiểu và sâu sắc hơn.
Khi đã có kiến thức sách giáo khoa làm nền tảng, em mới mở rộng ra những kênh tham khảo khác. Sự tập trung cao, tỉ mỉ và luôn tìm ra hệ thống các nội dung liên quan để hiểu sâu một nội dung cụ thể là yếu tố giúp Đức tường tận bản chất của mỗi bài học.
Những con số, những ngày tháng của sự kiện đều được Đức “quy đổi” ra những ngày kỷ niệm, ngày sinh nhật bạn bè, người thân cho dễ nhớ. Và số ngày sinh mà em nhớ được khá nhiều, nên những ngày tháng còn lại cần tự nhớ chẳng có bao nhiêu!
Thầy cô giáo cũng chính là những người đã mang đến cho em cảm hứng học Lịch sử tuyệt vời. Với em, những giờ học trong đó thầy trò hoà làm một, không còn khoảng cách, không khí lớp luôn vui vẻ, sôi động khiến em cảm thấy không còn là học khô khan mà đang thưởng thức những câu chuyện lịch sử vui và mang đầy kiến thức. Buổi học luôn tràn đầy không khí tranh luận và cuối cùng được thầy tổng kết, soi sáng từng vấn đề khiến kiến thức lịch sử cứ đi vào em thật tự nhiên và đầy cuốn hút.
Đức còn khoe, thầy cô không chỉ dạy em kiến thức, mà còn chia sẻ với em những tâm sự, những vấn đề của cuộc sống như những người bạn thực sự gần gũi. Thành công của em hôm nay in dấu sâu sắc hình ảnh thầy cô đã cùng em rèn luyện suốt 3 năm ở mái trường Chu Văn An.
Thời gian này, Đức lại tiếp tục ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học. Dự định thi vào khoa Luật, Đại học quốc gia, cậu học sinh lớp 12 trường
Đức cho biết: kỹ năng sống sẽ là hành trang quan trọng mà em sẽ tiếp tục trang bị cho mình ở trường đại học để tự tin bước vào nghề nghiệp tương lai.
Dù Lịch sử “ngốn” nhiều thời gian của Đức nhưng em vẫn sắp xếp để vui chơi giải trí và chở thêm những thành tích của một học sinh giỏi toàn diện, cán bộ Đoàn xuất sắc.