Nở rộ nhiều ngành học mới

09:55, 08/04/2010

Nhiều ngành trong các lĩnh vực Kiến trúc, Y, Lâm nghiệp, Điện lực, Ngoại Giao.. được mở thêm tại các trường công lập. Trong khi đó, các trường ngoài công lập cũng đẩy mạnh các chương trình liên thông, liên kết. Cơ hội cho thí sinh trong mùa thi năm 2010 dường như mở rộng hơn.

Công lập "bon chen" ngành mới

 

Theo TS. Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), nhu cầu về kiến trúc sư đủ trình độ, vững tay nghề còn rất lớn, nhất là ở các tỉnh phía Nam. 

 

 

Từ nhu cầu này, trường quyết định mở thêm ngành Kiến trúc dân dụng và Công nghiệp trong năm nay. Đặc thù của ngành này nằm ở chỗ, lấy hệ thống đồ án thiết kế kiến trúc làm hạt nhân cho chương trình đào tạo để giúp sinh viên có điều kiện tiếp xúc với môi trường thiết kế. Mục tiêu là khai thác ưu thế trong việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xây dựng công trình vào đồ án thiết kế kiến trúc.

 

Lần đầu tiên, chương trình đào tạo bác sĩ gia đình được đưa vào trường ĐH Y Hà Nội. Dự kiến trung bình mỗi năm sẽ đào tạo khoảng hơn 200 bác sĩ, góp phần giảm tải trong các bệnh viện tuyến trên hiện nay.

 

Theo PGS-TS Phạm Nhật An, Chủ nhiệm bộ môn Y học gia đình, Đại học Y Hà Nội, trong tình trạng ngành Y đang thiếu trầm trọng bác sĩ tuyến cơ sở, tuyến huyện, quá tải bệnh viện... thì bác sĩ gia đình là một trong nhiều nguồn tháo gỡ sự quá tải.

 

Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cũng mở ngành học mới là Thiết kế cảnh quan. Sinh viên theo học ngành này được trang bị những kiến thức về quy hoạch, thiết kế, thực vật, sinh thái, kỹ thuật và nghệ thuật cũng như thiết kế, thi công các công trình phát triển mảng xanh ở các đô  thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch; chăm sóc, bảo dưỡng các loài cây trong các công trình cảnh quan hoa viên...

 

Còn ĐH Điện lực sẽ tuyển sinh ngành học mới là Điện hạt nhân. Đây là ngành học có nhiều tiềm lực khi trong tương lai gần, Việt Nam cần khoảng 2.500 nhân lực phục vụ cho 2 nhà máy điện nguyên tử đầu tiên đang được xây dựng tại Ninh Thuận.

 

Học viện Ngoại giao mở thêm ngành Truyền thông quốc tế nhằm đào tạo cử nhân có khả năng vận dụng kiến thức về truyền thông quốc tế để làm việc trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại. Chương trình học được thiết kế theo mô hình ngành chính-phụ, trong đó ngành chính là Truyền thông quốc tế và ngành phụ là Quan hệ quốc tế…

 

Nở rộ chương trình liên kết

 

Cùng lúc mở các ngành đào tạo đại học thuộc dạng “hot”, các trường ĐH cũng không “bỏ lỡ” cơ hội liên kết.

 

Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa chính thức triển khai đào tạo liên kết quốc tế khoá đầu tiên cho ngành Quản lý du lịch và Quản lý hành chính công. Đây là kết quả hợp tác của liên kết quốc tế giữa nhà trường và ĐH Quảng Tây (Trung Quốc).

 

Trường ĐH Nông - Lâm TPHCM, mùa tuyển sinh 2010 có thêm ngành đào tạo liên kết quốc tế với ĐH Queenland - Úc, là ngành Thú y. Cuối năm 2009, ĐH Điện lực và ĐH Kỹ thuật Praha cũng đã thoả thuận hợp tác trong đào tạo nhân lực cho chương trình điện hạt nhân ở cả 3 trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ, thực hiện từ mùa tuyển sinh năm nay.

 

Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM cũng đã công bố một chương trình liên kết mới trong mùa tuyển sinh này với ĐH Tổng hợp Fraser Valley - Canada. Theo nhận định ban đầu của các giảng viên, các chương trình liên kết khá thu hút sự chú ý của TS dù mới trong giai đoạn đầu triển khai.

 

Một trong những ưu điểm khiến loại hình đào tạo này ngày càng thu hút TS đó là cơ hội chọn lựa ở cả đầu vào lẫn đầu ra khá đa dạng. 

 

Đối với chương trình liên kết giữa các đơn vị trong nước, hầu hết SV đều sở hữu 2 bằng chính quy do hai đơn vị liên kết cấp. Còn với những chương trình liên kết nước ngoài, một lợi thế trước mắt đó là SV dễ dàng tiếp tục theo học những chương trình chuyển tiếp ở nước ngoài (theo từng chương trình liên kết) ở các cấp học cao hơn mà không phải thực hiện thi đầu vào.

 

Dân lập mở rộng liên thông

 

Trong khi đó, các trường ĐH ngoài công lập mở rộng liên  thông. Theo thông báo mới nhất của ĐHDL Văn Hiến, mùa tuyển sinh 2010 này sẽ triển khai tuyển sinh và đào tạo một số ngành học khá “hot” như: Xã hội học chuyên ngành Kinh tế và phát triển; Xã hội học chuyên ngành Truyền thông – báo chí...

 

Bên cạnh đó, một số ngành thuộc nhóm ngành kinh tế như Quản trị kinh doanh, Kế toán... đã được nhà trường triển khai đào tạo liên thông để cạnh tranh đầu vào, có thêm lượng TS khả quan hơn.

 

Còn Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà bên cạnh chương trình đào tạo ĐH các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Công nghệ Thông tin, Điện tử - Viễn thông, đồng thời đào tạo hệ CĐ các ngành Điện tử công nghiệp, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - ngân hàng.

 

Cách mở ngành này giúp cho sinh viên sau khi hoàn thành khoá học, sinh viên hệ CĐ có cơ hội học liên thông lên ĐH ngay tại trường đối với tất cả các ngành học... 

 

Theo ông Nguyễn Quốc Hợp - phụ trách đào tạo Trường ĐHDL Văn Hiến, hình thức liên thông được trường mở rộng từ hệ đào tạo trung học đến CĐ và lên thẳng ĐH là một trong những thế mạnh để các trường ngoài công lập thu hút đầu vào. Cách đào tạo này tuy là “đường vòng”, nhưng suy cho cùng lại rất kinh tế đối với nhiều TS.

 

Bởi, với chỉ tiêu tuyển mà các trường được phân bổ như hiện nay thì tỉ lệ TS đậu thẳng vào ĐH cũng còn khá hạn chế.  Việc mở rộng thêm kênh đào tạo liên thông giúp tăng tỉ lệ người tiếp cận với hình thức đào tạo ĐH, mà cũng giúp TS chủ động hơn trong việc trang bị kiến thức của mình.