Sông Công với sự nghiệp trồng người

08:34, 15/04/2010

Có mặt tại Trường Tiểu học Bình Sơn 2, Trường Tiểu học cuối cùng của thị xã vừa được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, chúng tôi thấy rõ hơn sự nỗ lực của địa phương đối với sự nghiệp trồng người.

 

Trường Tiểu học Bình Sơn 2 được thành lập năm 2004 trên cở sở được tách ra từ Trường Tiểu học Bình Sơn, thời gian đầu do cơ sở vật chất còn thiếu 10 lớp học của Nhà trường phải học nhờ ở nhà văn hoá của các xóm. Trao đổi với chúng tôi chị Trần Thị Xuyến, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Học sinh của Trường cư trú ở 9 xóm phía Tây của xã Bình Sơn, đời sống của bà con còn khó khăn nên việc học của con em chưa được quan tâm nhiều, đặc biệt là ở các xóm có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, ngoài việc khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, Nhà trường còn phải cử giáo viên đi vận động người dân cho con đi học”. Năm 2005 thị xã đã cấp cho Trường gần 10 ha đất và vận động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng Trường. Trong các năm từ 2005-2009, Trường đã được đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, gồm nhà hiệu bộ, 8 phòng học với đầy đủ thiết bị theo chuẩn, nhà công vụ cho giáo viên, phòng thư viện, phòng sinh hoạt đội, y tế học đường...

 

Với sự tạo điều kiện của thị xã, sự giúp đỡ của cộng đồng về cơ sở vật chất, tập thể cán bộ giáo viên, học sinh nhà Trường đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt, hàng năm tỷ lệ học sinh khá, giỏi của trường luôn đạt trên 65%. Để nâng cao trình độ cho giáo viên, hàng năm, Trường đều cử cán bộ đi tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên đi học cập chuẩn và nâng chuẩn, hiện nay 100% giáo viên của Trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Năm 2009, Trường Tiểu học Bình Sơn 2 đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.

 

Nói về quá trình xây dựng trường chuẩn Quốc gia của thị xã, ông Đoàn Đình Khang, Trưởng phòng Giáo dục thị xã cho biết: Sông Công có 10 trường mầm non, 10 trường tiểu học và 5 trường THCS với trên 7 nghìn học sinh. Xuất phát từ quy chế xây dựng trường chuẩn Quốc gia của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Đề án Xây dựng trường chuẩn Quốc gia của tỉnh, T.X Sông Công đã xây dựng kế hoạch xây dựng trường chuẩn theo hai giai đoạn gắn với hai kỳ Đại hội 5 và 6 của Đảng bộ thị xã. Nhiệm kỳ Đại hội 5 (2000-2005 ) Đảng bộ đã có nghị quyết chuyên đề tập trung xây dựng cơ sở vật chất các trường, theo đó sẽ phấn đấu giải quyết và đảm bảo cho các trường có địa điểm, đủ diện tích theo chuẩn. Đầu tư xây dựng các phòng học thay thế nhà tranh tre vách nứa, xây dựng nhà hiệu bộ của các trường…

 

Đến năm 2005, kết thúc giai đoạn một, toàn thị xã có 1 trường THCS, 4 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia. Riêng mầm non chưa có trường chuẩn nào. Để đẩy nhanh tiến độ, bước vào nhiệm kỳ Đại hội 6 (2005-2010) Đảng bộ thị xã đã ra nghị quyết mỗi năm có từ 3 trường đạt chuẩn Quốc gia trở lên, phấn đấu đến năm 2010 thị xã có 50% số trường đạt chuẩn quốc gia. Để thực hiện chỉ tiêu này thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng trường chuẩn Quốc gia do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND các xã, phường và hiệu trưởng các trường làm thành viên. Đồng thời tiến hành ra soát lại theo chuẩn ở tất cả các trường để có kế hoạch đầu tư xây dựng cụ thể đúng trọng tâm, không dàn trải; huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho giáo dục. Theo đó, thị xã đã đề nghị tỉnh cho phép giữ lại 70% tiền đóng xây dựng của các trường để đầu tư xây dựng trường chuẩn, đồng thời trích 20% quỹ cấp quyền sử dụng đất của thị xã với số tiền  gần 5 tỷ đồng để đầu tư cho giáo dục. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, vận đông nhân dân  ủng hộ tiền, vật liệu xây dựng, ngày công lao động… với tổng số ủng hộ lên đến gần một tỷ đồng mỗi năm để đầu tư xây dựng các trường...

 

Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, công tác đào tạo, nâng cao trình độ cập chuẩn và nâng chuẩn cho cán bộ giáo viên của các trường đặc biệt đựơc quan tâm. Hàng năm, Phòng Giáo dục thị xã đều tổ chức 7-8 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên theo các chuyên đề cụ thể. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên tham gia các lớp đào tạo trung và dài hạn để nâng cao nghiệp vụ. Để tạo thuận lợi cho cán bộ giáo viên có điều kiện học tập mà vẫn đảm bảo được nhiệm vụ giảng dạy Phòng đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên mở các khoá đào tạo cao đẳng, đại học cho giáo viên ngay tại thị xã. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi giáo viên dạy giỏi theo các chuyên đề để giáo viên có điều kiện học hỏi, mở rộng kiến thức bổ sung cho các bài giảng trên lớp. Đến nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn bậc học mầm non 100%, tiểu học 99,4%, THCS là 99%.

 

Đối với học sinh, Bên cạnh việc tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập, hàng năm phòng đều tổ chức các cuộc thi chọn học sinh giỏi các cấp, tổ chức các giải thể thao, đẩy mạnh hoạt động đoàn, đội ở các trường, cho các em tham gia các hoạt động ngoại khoá…Qua đó, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, hàng năm tỉ lệ học sinh lên lớp bậc Tiểu học đạt 99,8%, bậc THSC 98%, học sinh vào lớp 1 đạt 100%.

 

Với những giải pháp trên, đến nay thị xã đã có 70% số trường học đạt chuẩn Quốc gia. Trong đó, có 100% trường tiểu học đạt chuẩn, 40% trường THCS và 33% trường mầm non đạt chuẩn. Về kế hoạch xây dựng trường chuẩn của thị xã trong thời gian tới, ông Đoàn Đình Khang, cho biết: Năm 2010 này thị xã có kế hoạch xây dựng thêm hai trường mầm non và một trường THCS nữa đạt chuẩn Quốc gia mức độ một và có một trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ hai. Và phấn đấu đến năm 2013, thị xã sẽ có 100% số trường học trên địa bàn đạt chuẩn Quốc gia.