Trong đợt giám sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh mới đây về hệ thống trường mầm non (MN) bán công trên địa bàn T.P Thái Nguyên, các huyện Phú Bình và Đại Từ, cả đoàn đều bất ngờ khi nhiều cán bộ quản lý các trường MN khi nói về đời sống, thu nhập, việc làm của giáo viên trường mình.
Quả thực trong tổng số 146 trường MN bán công của toàn tỉnh, trừ một số trường thuộc khu vực trung tâm T.P Thái Nguyên thu nhập tạm ổn do ngoài nguồn học phí thu theo quy định của UBND tỉnh, nếu số thu không đủ chi trả lương thì được ngân sách thành phố cấp bù, đồng thời cấp chi khác cho giáo viên biên chế và hợp đồng, còn các đơn vị còn lại (nhất là ở các huyện miền núi, thuần nông), đời sống của cán bộ, giáo viên cực kỳ khó khăn.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường MN Yên Lãng (Đại Từ) kể: "Trường tôi có 23 giáo viên thì có tới 18 trường hợp là hợp đồng. Nguồn chi cho giáo viên hợp đồng chỉ trông vào tiền thu học phí theo quyết định của UBND tỉnh để trả lương hàng tháng cho giáo viên và đóng các loại bảo hiểm. Thứ hai là nguồn ngân sách cấp hỗ trợ 500, 400, 300 nghìn đồng theo khu vực theo Quyết định số 09/2008- UBND của UBND tỉnh (mới có được hơn 1 năm nay). Ngoài ra, Trường vận động mỗi cha mẹ học sinh hỗ trợ thêm từ 10-15 nghìn đồng/tháng để bổ sung cho đủ mức lương tối thiểu của giáo viên (650 nghìn đồng/người/tháng), nhưng tổng các khoản trên cộng lại mỗi giáo viên cũng chỉ được khoảng 700 đến 800 nghìn đồng/người/tháng. Thu nhập như trên không đủ sống. Trong khi đó, các cô giáo phải làm từ 6h30 sáng tới 17h chiều (10,5 giờ làm việc/ngày)". Cũng vì thời gian làm việc căng như vậy, mà việc họp hành, sinh hoạt chuyên môn nhiều trường phải chuyển sang ngày nghỉ, thậm chí buổi tối.
Theo cô giáo Phùng Thị Trúc, Hiệu trưởng
Ngoài khó khăn trên thì hầu hết cơ sở vật chất của các trường MN bán công hiện nay đều không đáp ứng được yêu cầu về đổi mới dạy và học ở bậc MN. Bởi tiền đề của các trường MN bán công hiện nay trước đây đều là trường dân lập, vì thế hầu hết hệ thống nhà lớp học, sân chơi, các trang thiết bị đều thiếu thốn và xuống cấp. Đơn cử như 21/21 trường trên địa bàn huyện Phú Bình mặc dù đã có quy hoạch thành các cụm trung tâm, song phần lớn đều thiếu diện tích đất sử dụng và vốn để xây dựng. Ngoài 129 phòng học được xây dựng bằng nguồn vốn công trái giáo dục, toàn huyện vẫn còn 98 phòng học tạm, học nhờ nhà văn hóa các xóm. Đại đa số các bếp ăn, công trình vệ sinh, cổng, tường rào, sân chơi của các trường đêu thiếu. Nguyên nhân là do đời sống của đại bộ phận nhân dân còn khó khăn nên việc đóng góp cho con đi học đã khó, các địa phương càng không thể thực hiện được công tác xã hội hóa giáo dục, huy động nhân dân đóng góp xây dựng trường học. Phú Bình vẫn còn tới trên 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 15%. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới việc huy động trẻ ra lớp đạt tỷ lệ thấp, đặc biệt là các cháu ở độ tuổi nhà trẻ.
Theo báo cáo của ngành Giáo dục thì số trẻ từ 3-36 tháng tuổi đến trường MN của toàn tỉnh là 7.703/39.981 cháu, đạt tỷ lệ 19,27%. Số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường ở khu vực các trường MN bán công chỉ đạt 78,01%. Từ thực tế trên cho thấy nếu không thực hiện chuyển đổi các trường MN từ bán công sang công lập ở các xã còn khó khăn để Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đời sống của giáo viên ổn định hơn thì Thái Nguyên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện Đề án phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9-2-2010.
Có thể khẳng định, ngành học MN nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, đòi hỏi cao về việc chăm sóc, giáo dục trẻ, là bậc học tiền đề, chuẩn bị điều kiện và tâm thế để trẻ bước vào các bậc học tiếp theo. Thế nhưng, hiện nay ngành học này đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, kinh phí để hoạt động và chi trả lương cho giáo viên. Mặt khác, theo Luật Giáo dục, đối với trường MN chỉ có 3 loại hình là công lập, dân lập, tư thục, chứ không có loại hình bán công. Do đó, việc chuyển đổi các trường MN bán công sang công lập ở các xã miền núi, xã nghèo, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn…là cần thiết, đảm bảo đúng luật và tạo sự công bằng giữa các bậc học.