Ai yêu thiếu niên, nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh

10:52, 19/05/2010

“Trung thu trăng sáng như gương Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”. (Tết Trung thu 1951)

Bác Hồ yêu quý của chúng ta đã đi xa cách đây hơn bốn mươi năm, nhưng thiếu niên, nhi đồng Việt Nam và thế giới vẫn luôn nhớ Bác, vẫn giữ mãi hình ảnh của Người như một “Ông Tiên” hiền hậu.

 

Bác ân cần dặn dò “các cháu phải yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động” và “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”; “ngày nay các cháu là nhi đồng; ngày sau các cháu là người chủ nước nhà, của thế giới”.

 

Trung thu sau đó hai năm (1953) Bác lại viết:

“Thu này Bác gửi thơ chung

Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa”.

 

Bác còn tiên đoán: “Thu sau so với thu này vui hơn”. Quả nhiên, mùa thu sau (1954), Việt Nam ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ “chấn động Địa cầu”:

“Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

 

Kể từ đó, “Việt Nam - Hồ Chí Minh” là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

 

Trong thư gửi học sinh nhân dịp khai trường và thư gửi thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Người dành nhiều tình thương yêu cho các cháu, khuyên các cháu siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, đua bạn, chăm lo rèn luyện thân thể để đủ khả năng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người viết: “Các cháu hãy nghe lời Bác, lời của một người lúc nào cũng ân cần mong mỏi các cháu giỏi giang” và nhấn mạnh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (tháng 9-1945). Bác còn nói: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” và chỉ rõ: “Thanh niên phải là rường cột của nước nhà”, “Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập”.

 

Người rất chăm lo xây dựng thanh niên và thiếu niên nước ta trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa. Người nói với các thầy, cô giáo: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (1958).

 

Bác Hồ đã thưởng hàng nghìn huy hiệu của Người để biểu dương “Người tốt, việc tốt” trong các ngành, các giới ở các địa phương trên toàn miền Bắc vì Người quan niệm rằng: “Đây là một CVĐ xây dựng con người cho bây giờ và cho mai sau”. Nhiều thanh, thiếu niên nước ta đã vinh dự được nhận huy hiệu mang hình Người.

 

Người đã động viên nhân dân ta thi đua trên mọi mặt trận “Người người thi đua, ngành ngành thi đua” trong đó có ngành giáo dục vào thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng khiến chống Mỹ cứu nước: “Dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt” và các thầy cô, các học sinh trong ngành đã không phụ lòng Người: “Bục giảng dưới hầm sâu, em cũng là chiến sỹ”; thế hệ trẻ ngày ấy đã không quản “bom rơi, đạn nổ”, “mang mũ rơm đi học đường dài” để ngày nay đất nước ta có những tài năng trong các lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, tin học, công nghệ... “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ đã từng mong mỏi.

 

Trong Di chúc thiêng liêng, phần nói về đoàn viên và thanh niên Người căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế, xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Nhưng có lẽ điều mà tất cả thanh, thiếu niên chúng ta nhận thấy rõ nét nhất trong vô vàn những đức tính làm nên đạo đức sáng ngời của Bác Hồ là tấm lòng nhân ái đến vô hạn. Lời cuối cùng trong Di chúc của Người là “để lại muôn vàn tình thân yêu” “cho các cháu thanh niên và nhi đồng”, lớp người chủ tương lai - “Mùa Xuân” của Đất Việt.

 

Một hình ảnh có lẽ là đẹp nhất ghi sâu trong tâm khảm lớp thanh, thiếu niên những năm 60 của thế kỷ XX là hình ảnh Bác Hồ với khăn quàng đỏ thắm bay quanh tóc bạc của Người với lời ca vang vang bất tận của đàn cháu nhỏ: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên Việt Nam” và Bác - Người “nhạc trưởng vĩ đại” cầm gậy chỉ huy dàn nhạc hát vang bài ca “Kết đoàn” là sức mạnh vô địch và là cội nguồn của mọi thắng lợi của nhân dân và dân tộc Việt.

 

Với tuổi trẻ Thủ đô và đất Việt, hình ảnh yêu quý của Bác luôn sống mãi “trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời” của họ; tấm gương đạo đức của Người luôn tỏa sáng và là động lực thúc đẩy để vươn tới mãi trong “chiến đấu, lao động và học tập” “để kiến thiết nước nhà bằng mười” để Việt Nam nhanh chóng hòa mình với thế giới trong xu thế hội nhập và phát triển...

Tình Bác sáng đường ta đi. Tình Bác sáng đời ta…

 



Các dạng bài ielts writing task 2