Giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục

10:16, 07/05/2010

Huyện Phổ Yên hiện có 41/69 trường học đạt chuẩn Quốc gia, (bằng 59,4%), dẫn đầu về tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia trong toàn khối phòng giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh. Đối với một huyện trung du miền núi, điều kiện kinh tế chưa phải đã hết những khó khăn thì đây quả là một kết quả rất đáng ghi nhận. Để có được thành tích đó là cả một chặng đường nỗ lực phấn đấu đầy gian nan, vất vả của đội ngũ cán bộ quản lý, các nhà trường, từng thầy, cô giáo và nhất là sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân.

 

Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phổ Yên quản lý trực tiếp 69 trường, trong đó có 24 trường mầm non, 28 trường tiểu học và 17 trường THCS, với gần 30 nghìn học sinh và gần 1.800 cán bộ, giáo viên. Xác định xây dựng trường chuẩn quốc gia là giải pháp đầu tư hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nên Phòng luôn coi đó là nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì vậy, Phòng đã đưa mục tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia là một trong những tiêu chí thi đua của mỗi tập thể, cá nhân và hàng năm đều có bình xét thi đua về công tác này. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, Phòng đã xây dựng đề án, chỉ đạo xây dựng các đơn vị làm điểm, xây dựng mô hình tiên tiến, có cơ chế thoả đáng cho những đơn vị năng động, sáng tạo trong việc xây dựng trường chuẩn. Từ đó, đã nâng cao ý thức trong mỗi cán bộ, giáo viên về việc xây dựng trường chuẩn.

 

Với việc giao chỉ tiêu thi đua cho từng trường cụ thể, các trường đã tham mưu tích cực cho các xã, thị trấn trong kỳ Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2005-2010, qua đó, 100% các xã, thị trấn trong nghị quyết Đại hội đều có chương trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của địa phương mình. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phổ Yên lần thứ 27 (nhiệm kỳ 2005-2010) cũng đã đưa ra chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ, xây dựng được 50% số trường đạt chuẩn Quốc gia. Khi xây dựng Đề án, toàn huyện mới có 12 trường đạt chuẩn, ngay trong năm 2005 đã có thêm 8 trường đạt.

 

Trong 5 chuẩn mà Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định, có 3 chuẩn được Phòng thực hiện khá tốt đó là: Về tổ chức, quản lý nhà trường; chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục. Trong đó, chuẩn về tổ chức quản lý nhà trường được xem là tiêu chí khó. Đối với tiêu chí này, Phòng đã phối hợp với Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn tham mưu cho UBND huyện bổ nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý ở các nhà trường. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ luôn được củng cố kịp thời, song song với đó là xử lý những trường hợp yếu, kém, không đủ năng lực điều hành, không đáp ứng được yêu cầu công việc nhằm tạo sức mạnh cho mỗi nhà trường. Ngoài ra, chuẩn về nâng cao chất lượng giáo dục cũng được đặc biệt coi trọng. Đầu mỗi năm học, các nhà trường lại thực hiện khảo sát chất lượng học sinh, phân loại để phụ đạo thêm cho các học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi nên chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn đều được nâng lên. Riêng đối với tiêu chí xây dựng đội ngũ, huyện đã tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên qua các kỳ nghỉ hè, triển khai tới các trường cho giáo viên tự học, tổ chức kiểm tra chất lượng giáo viên một cách nghiêm túc, rèn luyện ý thức tự giác tham gia các kỳ thi, sau đó lấy kết quả kỳ thi đó làm căn cứ để mỗi giáo viên tiếp tục tham gia hoặc bảo lưu trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

 

Chỉ tính riêng trong tháng 1-2010 đã có 1.365 giáo viên từ bậc học mầm non, tiểu học đến bậc THCS dự thi, từ đó góp phần tạo được nhận thức đúng đắn về việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi thầy, cô giáo. Ngoài ra, Phòng cũng đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng mở các lớp đại học, cao đẳng để tạo điều kiện cho giáo viên nâng chuẩn. Đến nay, giáo viên trên chuẩn bậc mầm non là 25%, tiểu học 75%, THCS là 52%.

 

Đối với chuẩn xây dựng cơ sở vật chất và chuẩn xã hội hóa giáo dục, Phòng chỉ đạo các trường tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức. Các trường đã tích cực tham mưu cho địa phương mở rộng diện tích đất đai, xây dựng phòng học... Trong 5 năm qua, các trường đã được mở rộng thêm 20 nghìn m2 đất để xây dựng thêm các công trình cần thiết. Ngoài sự hỗ trợ của huyện, các trường cũng đã vận dụng nhiều hình thức để huy động nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, xây dựng vườn trường, tường rào và các công trình phụ trợ khác... Nhiều trường đã rất sáng tạo trong việc huy động nguồn lực phù hợp với điều kiện của địa phương. Đơn cử như Trường mầm non Đồng Tiến. Toàn trường có 200 trẻ, trước đây luôn trong tình trạng hoạt động chật chội vì thiếu phòng và một số công trình như: Phòng bảo vệ, phòng dành cho nhân viên, nhà để xe... Nhưng năm 2009, được huyện hỗ trợ gần 300 triệu đồng, nhà trường đã huy động thêm phụ huynh học sinh góp công lao động để xây dựng thêm 1 phòng học và các công trình phụ trợ. Hiện nay, nhà trường đã có cơ sở vật chất khang trang, đảm bảo cho việc nuôi dạy tốt cho trẻ. Bằng nhiều hình thức huy động tiền, công lao động, đến nay toàn huyện đã có 41/69 trường đạt chuẩn Quốc gia, bằng 59,4%, trong đó mầm non là 8/24 trường, tiểu học là 26/28 trường, THCS là 7/17 trường. Dự kiến kết thúc năm học 2009-2010, huyện sẽ có thêm 5 trường nữa đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số số trường đạt chuẩn lên 46 trường.

 

Với quyết tâm giữ vững danh hiệu là đơn vị dẫn đầu khối phòng giáo dục - đào tạo toàn tỉnh về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, từng bước hiện đại hóa trong nhà trường theo kết luận tại Hội nghị Trung ương VI khóa IX của Đảng, Phổ Yên phấn đấu đến hết năm 2010 toàn huyện sẽ có 50/69 trường đạt chuẩn.

 

Với sự sáng tạo của nhà trường, Trường mầm non Đồng Tiến đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang, đạt yêu cầu để xây dựng trường chuẩn quốc gia.