Hợp tác để phát triển

09:03, 21/05/2010

Là đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên, Khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) được Bộ Giáo dục & Đào tạo; Đại học Thái Nguyên giao nhiệm vụ đào tạo các ngành thuộc 4 lĩnh vực CNTT, Điện tử viễn thông, Điều khiển tự động; Hệ thống thông tin kinh tế ở các bậc học cao học, đại học, cao đẳng.

 

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ngay từ sau thành lập (14-12-2001) đến nay, Khoa CNTT đã nhanh chóng đi vào ổn định cơ cấu tổ chức bộ máy, tập trung xây dựng đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh và đào tạo. Quá trình thực hiện, Khoa tranh thủ được nguồn lực có trình độ cao về con người cùng với cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại. Khoa CNTT đã thực hiện mô hình phối hợp về quản lý và đào tạo với Viện CNTT thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Mô hình phối hợp Viện Công nghệ - Trường đại học đã khai thác và phát huy có hiệu quả trên nhiều mặt, đây thực sự là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho Khoa CNTT sớm đi vào ổn định và phát triển.

 

Trong 8 năm vừa qua, quy mô và ngành nghề đào tạo của Khoa CNTT đã không ngừng được mở rộng. Đến năm học 2009 – 2010, Khoa đã xây dựng, quản lý đào tạo 29 chương trình các ngành, chuyên ngành thuộc các lĩnh vực trên, với quy mô đào tạo trên 6.500 sinh viên. Ngoài các lớp đào tạo tại Khoa, Khoa còn liên kết với 15 tỉnh, quân khu thuộc địa bàn các tỉnh miền Bắc để tạo nguồn nhân lực CNTT và truyền thông phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của các địa phương. Đặc biệt trong thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục & Đào tạo về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2015, đồng thời để nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo gắn với thực tế và đáp ứng nhu cầu xã hội, Khoa CNTT đã và đang triển khai đổi mới về chương trình đào tạo theo hướng xây dựng chương trình tiên tiến, như tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho thực hành, thí nghiệm, quan tâm các môn học cho sinh viên về phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Các chương trình đào tạo của Khoa cũng đã luôn bảo đảm tính đa dạng và tính liên thông.

 

Hiện nay Khoa có đội ngũ gần 90 cán bộ, giảng dạy, với độ tuổi trung bình 32 tuổi, trong đó cán bộ, giảng viên có trình độ Giáo sư, Phó Giáo sư là 17 người, 26 tiến sĩ, 25 người đang làm nghiên cứu sinh, 70 thạc sĩ. Đặc biệt, Khoa có 40 cán bộ, giảng viên tốt nghiệp học cao học ở nước ngoài, 45 cán bộ, giảng viên được tham gia các lớp tập huấn ngoại ngữ ở nước ngoài… Cùng với đó, Khoa đã xây dựng được 7 phòng máy tính, 8 phòng thực hành, thí nghiệm, với trang thiết bị hiện đại gồm 550 máy tính kết nối mạng LAN, internet, 25 máy chiếu, 10 phòng học lớn trang bị thiết bị hiện đại… Trong định hướng hợp tác, Khoa có chủ trương trao đổi chương trình đào tạo, đề cương chi tiết, tài nguyên học tập; hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng viên; liên kết thực hiện và đào tạo liên thông; hợp tác trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Về đào tạo liên thông, mục tiêu của Khoa là đào tạo ra kỹ sư điện tử viễn thông; kỹ sư Điều khiển tự động; Cử nhân hệ thống thông tin kinh tế có khả năng đáp ứng được yêu cầu cao của xã hội.  

 

Hiện nay, các tỉnh khu vực miền Bắc với hơn 60 trường cao đẳng có đào tạo ngành CNTT, Công nghệ Điện tử viễn thông, Công nghệ điều khiển tự động, Hệ thống thông tin kinh tế. Xã hội cũng yêu cầu về trình độ nhân lực ngày càng cao dẫn đến nhu cầu về học liên thông lên đại học của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ở khu vực ngày càng lớn. Chính vì thế mà giữa các đơn vị giáo dục cần phải có sự phối hợp để thống nhất về nội dung chương trình đào tạo ở bậc cao đẳng, và xây dựng chương trình liên thông lên đại học theo học chế tín chỉ nhằm bảo đảm về kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của xã hội, qua đó cũng là động lực cho sinh viên yên tâm vào học ở các trường cao đẳng có cơ hội được học liên thông lên trình độ đại học… Đây là một trong những lý do để Khoa CNTT “lựa chọn” quan điểm “Hợp tác là sức mạnh, hợp tác là phát triển”. Vì thế Khoa CNTT luôn quan tâm phát triển, mở rộng hợp tác với tất cả các trường cao đẳng trong khu vực về lĩnh vực đào tạo liên thông, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ…