Năm học 2008-2009, Trường THCS Quang Trung là một trong 3 trường của tỉnh được tham gia Dự án Việt - Bỉ (cơ quan hợp tác kỹ thuật Bỉ và đại diện Sứ quán Bỉ) về đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường. Sau 2 năm thực hiện Dự án, chất lượng dạy và học của Nhà trường được nâng lên rõ rệt.
Ngay sau khi Dự án được triển khai, 45/45 các cán bộ, giáo viên đã được tham gia các lớp tập huấn về 3 phương pháp mới, 2 kỹ thuật hiện đại nhất: đó là dạy học hợp đồng, dạy học theo góc và dạy học theo dự án; kỹ thuật khăn trải bàn, kỹ thuật các mảnh ghép do các chuyên gia nước ngoài trực tiếp giảng dạy. Hình thức dạy theo hợp đồng nghĩa là mỗi bài học, tiết học, giáo viên phải chuẩn bị một mẫu phiếu hợp đồng, bao gồm các câu hỏi bắt buộc và tự chọn cho học sinh thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định; trong đó có hướng dẫn chi tiết về nội dung, cách thức, phương tiện thực hiện. Dưới bản hợp đồng là chữ ký của học sinh và giáo viên.
Dạy học theo dự án nghĩa là các em học sinh nêu ý tưởng, lựa chọn chủ đề, thành lập nhóm, xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ để thực hiện. Đây gần như một đề tài nghiên cứu khoa học, có sự liên môn chặt chẽ, để thực hiện được các em cần tìm hiểu và nắm bắt các kiến thức có liên quan trên mạng internet, đi cơ sở thực tế, phỏng vấn để thực hiện đề tài của mình thành một cuốn tiểu luận, cuối dự án có đánh giá những kết quả đã đạt được. Dạy học theo kỹ thuật khăn trải bàn chia lớp học thành từng nhóm gồm 4 người/nhóm, mỗi em bắt buộc phải có ý kiến riêng, sau đó mới tổng hợp thành ý kiến của nhóm để trình bày trước lớp… Các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới nhằm phát huy tính tích cực của học sinh, giúp các em chủ động nắm bắt kiến thức trong bài học, tăng khả năng hiểu biết về bài học cũng như các kiến thức xã hội, tự do thể hiện sáng tạo của bản thân.
Nhờ đổi mới phương pháp giáo dục, chất lượng dạy và học trong nhà trường ngày một nâng lên rõ rệt. Tính đến năm học 2009-2010, trường có 45 cán bộ giáo viên thì có 7 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 35 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp T.P; 2 giáo viên được sang Singapo tập huấn kỹ năng nghiệp vụ do có thành tích tốt trong việc thực hiện Dự án Việt-Bỉ; 4 học sinh thi máy tính bỏ túi cấp T.P có 1 em đoạt giải Nhất, 2 em đoạt giải Nhì, xếp thứ hai toàn đoàn; 25 học sinh đoạt học sinh giỏi T.P các môn văn hóa xã hội (tăng 6 em so với năm học 2008-2009); 9 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh (tăng 3 em so với năm học trước). Đặc biệt, kết thúc năm học 2009-2010 này, toàn trường có 264 học sinh giỏi (tăng 25 em so với nắm học trước), học sinh khá là 380 em (tăng 19 em so với năm học 2008-2009), học sinh trung bình chỉ còn 167 em (giảm 39 em), số học sinh yếu còn 5 em (giảm 3 em).
Để đạt được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của thầy và trò phải kể đến vai trò rất quan trọng của Ban Giám hiệu nhà trường trong việc chỉ đạo các tổ chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Trao đổi với tôi, cô Lê Thị Bích Nga, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Xác định đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đó là điều cơ bản làm nên sự sống còn cho trường nên trong những năm qua Ban Giám hiệu nhà trường đã khuyến khích, phân công, cử các giáo viên đi học nâng cao trình độ, đổi mới chương trình sách giáo khoa, yêu cầu mỗi giáo viên không chỉ đổi mới trong nhận thức mà có sự chuyển biến trong soạn giảng. Đến nay, 100% các giáo viên đều biết sử dụng thành thạo máy vi tính, áp dụng vào soạn giảng giáo án điện tử nhanh nhạy”. Từ khi thực hiện Dự án, Ban giám hiệu phân công nhiệm vụ cụ thể cho 3 tổ chuyên môn, yêu cầu các tổ áp dụng sáng tạo các phương pháp, kỹ thuật dạy học. Sau mỗi kỳ học, năm học Ban Giám hiệu đề nghị mỗi giáo viên làm một bản tổng hợp “Một đổi mới” trong đó nêu rõ trong kỳ học, năm học bản thân đã tự đổi mới được những gì, thông qua đó nắm bắt tình hình hoạt động giảng dạy của giáo viên đối với việc tự học, tự đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học. Bên cạnh đó, mỗi tổ làm báo cáo chi tiết thống kê các tiết dạy của từng giáo viên soạn theo giáo án điện tử, số tiết giáo viên dạy học theo các phương pháp hợp đồng, dự án, học góc, số giờ thao giảng, dự giảng. Đây cũng là tiêu chí để Ban Giám hiệu đánh giá thi đua các giáo viên trong năm học.
Năm học vừa qua, Nhà trường có trên 340 tiết học được giảng trên giáo án điện tử, gần 100 tiết học được dạy theo phương pháp mới. Cô Trần Thị Bích Hoa chia sẻ với chúng tôi: “Dạy học theo phương pháp đổi mới hiện nay học sinh rất thích thú, các em phải làm việc tích cực hơn, tính chất tự học, tự nghiên cứu được đẩy cao. Giáo viên cũng vất vả hơn nhiều bởi vì việc soạn giảng bài theo phương pháp mới mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi giáo viên có khả năng thuyết trình, khơi gợi, làm phiếu hợp đồng, đặt câu hỏi phù hợp cho học sinh. Nhưng sự say mê và những kết quả học tập của các em học sinh làm chúng tôi như quên hết những mệt mỏi đó và càng muốn cố gắng hơn để hoàn thiện bài soạn”. Để thực hiện tốt việc áp dụng phương pháp mới trong giảng dạy, các giáo viên tăng cường giờ thao giảng mẫu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong từng tổ chuyên môn. Điểm mới nữa của trường THCS Quang Trung trong dạy học theo phương pháp mới đó là cách đánh giá học sinh của giáo viên: cho học sinh tự đánh giá; bạn bè đánh giá bằng cách đặt câu hỏi, yêu cầu học sinh phản biện và cô giáo là người tổng hợp các ý kiến, cho điểm thưởng với cả người đặt câu hỏi và người được hỏi. Điều đó, khiến các em học sinh tiếp thu ý kiến phản biện dễ dàng, đồng thời các em đặt câu hỏi cũng rèn luyện cho mình cách lắng nghe và phản hồi tích cực. Vì vậy, các giờ học đã không còn căng thẳng, nhàm chán kiểu cô đọc, trò ghi chép như trước đây nữa mà đã biến thành một tiết học sinh động, học sinh chủ động thể hiện cách nhìn nhận của mình về bài học bằng hình thức sân khấu hóa (diễn kịch, đọc thơ, hát, múa), ca nhạc, mỹ thuật, thậm chí các em còn tự thực hiện phần thuyết trình trên máy chiếu vi tính.
Việc đổi mới phương pháp dạy và học ở Trường THCS Quang Trung đã phát huy hiệu quả tính tích cực của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong Nhà trường. Mong rằng thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ nhân rộng điển hình về đổi mới phương pháp dạy học ở Trường THCS Quang Trung tới các trường trong toàn tỉnh thông qua việc đánh giá thực tế kết quả của Dự án, tổ chức tham quan, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm áp dụng cho phù hợp vào điều kiện của từng trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.