Thi tốt nghiệp THPT: Môn Địa lý được sử dụng tài liệu

08:21, 12/05/2010

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, Địa lý là môn thi duy nhất được mang “phao” vào phòng thi một cách công khai. “Phao” này chính là cuốn Atlat Địa lý Việt Nam. Tuy nhiên "phao" này phải do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành và không được đánh dấu cũng như viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.

 

Làm tốt bài thi môn Địa cần kỹ năng gì?

 

Môn Địa lý được các thí sinh xếp vào dạng “khoai” vì khối lượng kiến thức lý thuyết khá nhiều. Tuy nhiên, theo các giáo viên dạy Địa lý, đây lại là môn học không khó để đạt điểm cao nếu thí sinh biết cách ôn tập và có các kỹ năng phù hợp. Điều quan trọng mà thí sinh phải lưu ý khi ôn tập môn này: “hiểu bài bởi nếu chỉ học thuộc rất dễ quên”.

 

Để đạt điểm cao với môn Địa lý, thí sinh nên ôn tập và trả lời tất cả các câu hỏi trong sách giáo khoa. Về phần lý thuyết, thí sinh cần nắm toàn bộ và bao quát kiến thức Địa lý đã được học, nên học từ tổng thể đến các thành phần rồi đến chi tiết. Thí sinh cũng có thể dựng đề cương chi tiết theo thứ tự sách giáo khoa để ôn tập cho hợp lý.

 

Trong môn Địa lý có 2 kỹ năng thí sinh phải sử dụng trong bài tập là tính toán, nhận xét số liệu thống kê ở bảng số liệu và vẽ biểu đồ. Về bảng số liệu, phải chú ý xem số liệu có nội dung gì, các nội dung được cụ thể hóa ở chỉ tiêu thống kê cụ thể như thế nào; phải làm rõ được sự thay đổi của các giá trị, các chỉ tiêu theo thời gian… nhưng cần tránh nêu quá chi tiết mà không nêu được nội dung chính yếu.

 

Kỹ năng vẽ biểu đồ cũng rất quan trọng, đồ đòi hỏi sự chính xác về phân chia số lượng, tỷ lệ thời gian, sử dụng các ký hiệu để thể hiện nội dung khác nhau, có ghi chú. Trên biểu đồ phải ghi đầy đủ các yếu tố khác như đơn vị, tên biểu đồ.

 

Phần khó nhất trong phần bài tập của môn Địa lý là vẽ lược đồ Việt Nam, tuy nhiên, thí sinh chỉ cần đảm bảo độ chính xác tương đối về hình dạng, thể hiện được các hệ thống sông chính, các điểm dân cư, khu vực hành chính cơ bản, không cần thiết phải quá đẹp về hình thức.

 

Về phần giải thích, thí sinh phải vận dụng kiến thức đã học để giải thích hiện tượng địa lý cho phù hợp và sát với yêu cầu, tránh dông dài. Nên tách ý rõ ràng, có thể đánh số theo thứ tự ý chính, điều này dễ gây thiện cảm cho người chấm và học sinh dễ đạt điểm cao.

 

Sử dụng Atlat như thế nào cho hiệu quả?

 

Nếu thí sinh biết cách xử lý Atlat Địa lý Việt Nam một cách hiệu quả thì sẽ bớt được khá nhiều địa danh, số liệu phải ghi nhớ.

 

Atlát địa lý Việt Nam là một dạng bản đồ giáo khoa, là một tập hợp có hệ thống các bản đồ địa lý được sắp xếp một cách khoa học, phục vụ cho mục đích dạy học.

 

Atlát địa lý Việt Nam có tính thống nhất cao về cơ sở toán học, nội dung và bố cục bản đồ khá phù hợp với chương trình học tập địa lý lớp 12. Atlát địa lý Việt Nam được thành lập dựa trên chương trình địa lý Việt Nam, nó diễn giải các vấn đề địa lý tự nhiên, kinh tế, xã hội, đi từ cái chung đến cái riêng, từ tự nhiên đến kinh tế xã hội, từ toàn thể đến khu vực, các bộ phận. Đây chính là cấu trúc chung nhất của Atlát.

 

Atlat Địa lý phải đọc theo trình tự khoa học, trước tiên thí sinh phải nắm được vấn đề chung nhất của trang Atlat, tìm ra các nội dung chủ yếu của trang, mối liên hệ các trang Atlat để khai thác nội dung chủ yếu trên.

 

Sau đó, thí sinh phải phân tích và giải thích nội dung chủ yếu trang Atlat, rút ra các nhận xét chung. Thí sinh cần đọc kỹ đề để tìm ra yêu cầu chính của bài và mối liên hệ của các yêu cầu với các trang Atlat; phải biết sử dụng dữ kiện nào để trả lời tốt các yêu cầu chính của đề bài: màu, ký hiệu, số liệu qua các biểu đồ-bản đồ, địa điểm phân bố, phân tích nhận xét, giải thích thông qua các yếu tố trên.

 

Đọc một bản đồ, trước hết phải đọc bảng chú giải để hiểu nội dung được thể hiện, rút ra các kiến thức có tính tổng quát. Đọc bản đồ phải đi từ nhận định khái quát đến chi tiết.

 

Có thể dựa vào các phần trong Atlat để giải quyết bài lý thuyết trong môn Địa lý như: sử dụng bản đồ địa lý tự nhiên để trả lời câu hỏi về vị trí địa lý Việt Nam; bản đồ địa lý kinh tế xã hội và các vùng kinh tế để trả lời câu hỏi về sự khác nhau giữa các vùng miền.

 

Cẩn thận với Atlat Địa lý Việt Nam giả

 

Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, hiện trên thị trường đang lưu hành cuốn Atlat Việt Nam in giả với những sai sót nghiêm trọng về nội dung địa lý và bản đồ.

 

Cụ thể, toàn bộ đường biên giới quốc gia ở tất cả các trang đều không giống với ký hiệu biên giới quốc gia ở trang kí hiệu chung; sai về cấp độ hành chính (thị xã, thành phố); sai về số liệu trong biểu đồ tăng trưởng GDP ở trang 17; vẽ thiếu ranh giới vùng tự nhiên ở trang 29; sai về thang tầng màu ở hầu hết các bản đồ…

 

Những sai sót trong cuốn Atlat giả có thể làm ảnh huởng đến kết quả học tập và kiểm tra của học sinh, đặc biệt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Vì vậy, các em học sinh nên thực sự chú ý, mua và sử dụng đúng cuốn Atlat Địa lý Việt Nam của Nhà XBGD Việt Nam xuất bản và phát hành tại các Công ty Sách – Thiết bị trường học, các cửa hàng phát hành sách giáo dục của Nhà XBGD Việt Nam.