Để trẻ học tốt hơn

07:15, 28/06/2010

Số học sinh giỏi tăng 9 em, học sinh khá tăng 6 em,  học sinh hạnh kiểm tốt tăng 16 em, giảm học sinh hạnh kiểm trung bình, học lực yếu kém. Đó là kết quả sau 1 năm học thực hiện mô hình thí điểm “Huy động sự tham gia của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc hỗ trợ con, em học tích cực” ở 154 trẻ tại thôn Tam Sơn và Thôn Chùa xã Đắc Sơn (Phổ Yên).

 

Từ hiệu ứng này, Hội LHPN tỉnh đã triển khai tiếp mô hình tại 5 huyện, thành, thị với 10 xã tham gia nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được học tập và đạt kết quả tốt nhất.

 

“Huy động sự tham gia của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc hỗ trợ con, em học tích cực” là chương trình hỗ trợ về giáo dục của Tổ chức Phrlemang vương quốc Bỉ (gọi tắt là VVOB) thông qua Sở Giáo dục - Đào tạo, Trường đại học sư phạm và Hội LHPN nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào việc dạy và học tích cực ở địa phương. Chương trình này lần đầu tiên được triển khai thực hiện điểm ở xã Đắc Sơn với mục tiêu tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Với mục tiêu đó, chương trình đã được khởi động bằng việc tổ chức hội thảo triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” vào tháng 9/2009.

 

Nhận thức rõ ý nghĩa của chương trình là nhằm “Huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường, để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội. Đồng thời phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh trong học tập và trong các hoạt động xã hội một cách phù hợp, hiệu quả”. Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với địa phương thành lập ra Ban Chỉ đạo, sau đó tiến hành khảo sát đánh giá tình hình nhận thức về giáo dục tại cơ sở. Để thu hút sự tham gia của nhân dân, Ban chỉ đạo đã thành lập 2 CLB tại thôn Tam Sơn và thôn Chùa với 100 hộ tham gia. Qua khảo sát tại 100 hộ này cho thấy: Tổng số có 154 trẻ đang theo học tại các trường, trong đó tiểu học là 33 học sinh, THCS 103 học sinh, THPT là 18 học sinh. Về kết quả xếp loại học lực và hạnh kiểm của các em năm học 2008-2009: Học sinh giỏi có 16 học sinh, học sinh khá có 37 học sinh, học sinh trung bình có 91 em, học sinh yếu có 10 em, hạnh kiểm tốt 80 em, hạnh kiểm khá 57 em, hạnh kiểm trung bình 17 em.

 

Sau khi khảo sát, Ban Chỉ đạo đã xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Hằng tháng, tiến hành tổ chức giao ban, họp rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, đồng thời triển khai các hoạt động của tháng sau. Sau khi các CLB được kiện toàn, Ban Chỉ đạo đã tổ chức ký kết liên tịch giữa UBND xã với các ngành, đoàn thể liên quan về việc phối hợp triển khai thực hiện nội dung phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trong văn bản liên tịch này khẳng định rõ trách nhiệm của lãnh đạo địa phương và từng tổ chức liên quan cam kết hoạt động theo 5 nội dung của phong trào thi đua. Ngoài ký kết liên tịch, các thành viên còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng điều hành CLB, kỹ năng truyền thông, các hình thức tổ chức sinh hoạt CLB. Từ đó, mỗi thành viên đều nhận thức được sự cần thiết trong việc hỗ trợ con, em họ học tập.

 

Thông qua tập huấn, các thành viên CLB đã quan tâm và tạo điều kiện hơn cho con, em họ theo tinh thần 1 có, 3 đủ: Có chỗ học tập ổn định, đủ ăn, đủ sách vở, đủ đồ quần áo. Ông Cao Văn Thiệp, thành viên CLB cho biết: Gia đình tôi có 2 cháu đều đang đi học, 1 cháu hiện đang theo học tại Trường cao đẳng Việt Đức, con thứ hai đang học lớp 9 Trường THCS Đắc Sơn. Trước đây, do kinh tế gia đình còn khó khăn, nên gia đình chưa quan tâm nhiều đến các điều kiện học tập của con, cháu thứ hai 3 năm học liên tục đều đạt học lực khá.

 

Từ khi tham gia CLB giáo dục và đời sống, tôi đã được tiếp thu nhiều kiến thức trong việc nuôi dạy con cái. Tôi đã bàn với vợ và xây dựng thời gian biểu hợp lý cho con, để chúng vừa có thời gian nghỉ ngơi, học tập và giúp đỡ việc nhà. Đồng thời dành một chỗ sáng sủa, yên tĩnh để con làm góc học tập, trang bị đầy đủ đồ dùng học tập phục vụ việc học của cháu. Nhờ vậy năm học 2009-2010 cháu đã đạt học lực giỏi. Từ khi CLB được thành lập, hầu hết các gia đình thành viên đã bố trí góc học tập đảm bảo đủ ánh sáng, bàn ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi, giúp con em xây dựng thời gian biểu hợp lý và cùng hỗ trợ các cháu thực hiện thời gian biểu, phân công việc nhà hợp lý, đặc biệt là dành nhiều thời gian hơn cho con cái trong các kỳ thi. Ngoài ra, các hộ cũng có quan niệm bình đẳng giữa con trai và con gái. Các gia đình cũng đã thực hiện tương đối tốt về chế độ thông tin liên lạc định kỳ với các nhà trường, như: Tham gia các buổi họp phụ huynh, kiểm tra sổ liên lạc để nắm bắt tình hình học tập của con…

 

Qua đó, các em đã chủ động đề xuất với cha mẹ về chuẩn bị đồ dùng học tập đầy đủ, được tạo điều kiện về đi học thêm, học nhóm, cùng cha mẹ khắc phục những khó khăn như: Gia đình chưa có tiền mua sách thì các em có thể mượn bạn bè, mượn sách cũ, được bố trí đủ thời gian học tập nhưng vẫn giúp đỡ công việc gia đình. Em Cao Thị Ngọc Mai, học sinh lớp 8, Trường THCS Đắc Sơn tâm sự: Trước đây, do không biết bố trí thời gian hợp lý nên em rất lúng túng không biết làm việc gì trước. Trong khi học em luôn lo lắng không hoàn thành công việc gia đình nên khó tập trung, kết quả học tập năm học 2008-2009 chỉ đạt học lực trung bình. Năm học 2009-2010 nhờ mẹ em xây dựng giúp thời gian biểu và hướng dẫn em thực hiện theo nên em luôn yên tâm thực hiện công việc theo thứ tự. Nhờ đó em đã đạt học sinh khá trong năm học này.

 

Không chỉ em Mai mà qua 8 tháng thực hiện điểm “Huy động sự tham gia của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc hỗ trợ con, em học tích cực”, kết quả học tập của con cháu các thành viên 2 CLB đã nâng lên rõ rệt. Năm học 2009-2010, con em các thành viên 2 CLB đã tăng 9 học sinh giỏi, 6 học sinh khá, 16 học sinh hạnh kiểm tốt, giảm 10 học sinh học lực trung bình, 5 học sinh yếu, 6 học sinh hạnh kiểm khá, 10 học sinh hạnh kiểm trung bình. Từ kết quả này, Ban chỉ đạo chương trình đã nhân rộng ra 5 huyện, thành, thị là: T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công, huyện Phú Bình, Đại Từ và Võ Nhai với 10 xã tham gia nhằm huy động sự hỗ trợ của toàn xã hội cùng chung tay xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.