Đỗ tốt nghiệp cao chưa hẳn đã mừng

08:53, 23/06/2010

Trên 92% đỗ tốt nghiệp là kết quả của kỳ thi THPT 2010 vừa được công bố khiến nhiều người trong ngành giáo dục vừa mừng vừa lo. Nhưng lo vẫn nhiều hơn mừng!

 

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD- ĐT) vừa công bố tỉ lệ đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) 2010 của cả nước. Theo đó, con số này đạt 92,57%. Đáng chú ý là nhiều tỉnh miền núi phía Bắc năm nay có tỷ lệ tốt nghiệp rất cao, ở cả hệ THPT và giáo dục thường xuyên.

 

Theo khẳng định của lãnh đạo Bộ GD- ĐT, kết quả tuy cao nhưng không bất thường và Bộ không buông lỏng để đạt được tỷ lệ cao này.

 

Xét đơn thuần về mặt số học, con số này thật đẹp và lẽ ra sẽ mang lại niềm vui cho mọi người, nhất là những người trong Ngành Giáo dục. Niềm vui đó nếu đúng thực chất thì sẽ được nhân lên vì 2010 là năm cuối cùng thực hiện cuộc vận động “Hai không” (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) của ngành.

 

Nhưng con số cao ngất trời kia lại khiến nhiều người lo ngại bởi giáo dục là lĩnh vực mà chất lượng không thể tăng đột biến và cần nhiều năm mới có thể đánh giá. Kết quả này cũng không nói lên nhiều điều về chất lượng dạy và học. Đặc biệt là phản hồi của một số nhà giáo dục có tuy tín nước nhà lại chênh với đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT.

 

Còn nhớ cách đây 3 năm, năm 2007 khi Ngành Giáo dục bắt đầu thực hiện cuộc vận động “Hai không”, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước chỉ đạt 66,7%. Con số này làm những người tâm huyết với giáo dục đau lòng nhưng ai cũng thấy, cần phải nhìn thẳng vào sự thật để đổi mới. Nhưng năm nay, Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ đỗ thấp nhất nước cũng đạt 69,11%. Còn có trường có năm không học sinh nào đỗ tốt nghiệp thì sau 3 năm bỗng dưng kết quả vọt trên 90%.

 

Lý giải về sự “bất thường” này, về mặt tích cực như một số lãnh đạo sở GD- ĐT nhận định, có sự cố gắng của các địa phương trong việc ôn tập cho học sinh và cả nỗ lực ôn luyện của thí sinh. Nhưng kết quả thực chất đến đâu còn lệ thuộc vào một số yếu tố khác.

 

Thứ nhất, tỷ lệ đỗ cao chưa nói lên được điều gì về chất lượng dạy học. Bởi chất lượng dạy học không chỉ đánh giá qua thi cử mà còn cần có những đánh giá khác mới mang lại kết quả xác thực.

 

Thứ hai, tổ chức coi thi được coi là khâu quan trọng, quyết định nhất. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã khẳng định, công tác thi tốt nghiệp được tổ chức rất tốt, đảm bảo tính an toàn, nhưng nhiều giám thị coi thi thất vọng về tính nghiêm túc của kỳ thi vừa qua. Những vi phạm trong phòng thi đã diễn ra khá phổ biến, từ việc thí sinh sử dụng điện thoại, mang tài liệu vào phòng thi, nạn quay cóp. Phao thi vẫn trắng ở các phòng thi và sân trường tại nhiều điểm thi… Nhưng những vi phạm không bị xử lý, chỉ nhắc nhở nội bộ bởi hội đồng thi toàn “người nhà”!

 

Thứ ba, đánh giá về đề thi, lãnh đạo Bộ GD- ĐT cho rằng, đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình THPT, nằm trong sách giáo khoa, học sinh chỉ cần cố gắng, chăm chỉ là có thể đủ điều kiện tốt nghiệp. Nhưng nhiều nhà giáo lại nhận xét, đề dễ đến giật mình. Còn theo đại diện các sở GD-ĐT: đề ra dễ, đáp án còn dễ hơn. Thậm chí có thầy giáo đã phải thốt lên: một số câu hỏi môn Toán dễ đến mức ngớ ngẩn…

 

Và còn nhiều yếu tố khác khiến người ta không thể không hoài nghi về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao như đã công bố.

 

Với thành tích năm sau cao hơn năm trước sau 3 năm thực hiện cuộc vận động “Hai không”, nhất là với kết quả đẹp được công bố của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 khiến nhiều người trong ngành giáo dục vừa mừng vừa lo. Nhưng lo vẫn hơn mừng. Lo bởi căn bệnh thành tích đã trở thành mạn tính và ngày càng nặng, trở nên hơn khó chữa hơn. Lo bởi mục tiêu của cuộc vận động nhằm hướng tới việc tổ chức kỳ thi hai trong một. Nhưng với việc "cải cách" như 3 năm vừa qua thì đến bao giờ mới có thể đặt niềm tin vào chất lượng thi tốt nghiệp THPT để biến mục tiêu này trở thành hiện thực ở Việt Nam?