Những ngày cuối cùng của năm học này, chúng tôi có mặt ở Trường THCS Văn Lăng (Đồng Hỷ) đúng lúc có 2 em (Lý Thị Vinh và Ngô Thị Ké) học sinh lớp 6B, được các cô giáo lên tận nhà (bản Liên Phương) đón xuống để tiếp tục học và thi hết học kỳ II.
Được biết, các em là một trong những học sinh dân tộc thiểu số ở những xóm, bản xa trung tâm xã đến học và đều được ở trong Khu nội trú dân nuôi của Trường. Hơn nữa, các em là những học sinh thuộc hộ nghèo, được miễn học phí và được hưởng trợ cấp 140 nghìn đồng/tháng.
Năm học này, Trường có 248 học sinh là con em thuộc 16 xóm, bản trong xã. Nhìn chung nhận thức của các em tuy còn thấp nhưng so với những năm học trước đã có tiến bộ hơn. Đa số các bậc phụ huynh đã quan tâm hơn tới việc học hành của con em mình. Tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi chiếm khoảng 35% (năm 2009).
Trao đổi với chúng tôi, cô Trần Thị Thái, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Thầy cô trong Trường đã cố gắng nỗ lực để vừa dạy, vừa dỗ học trò. Bằng tấm lòng yêu thương lo lắng cho các em, thường xuyên đến tận gia đình của học sinh để thăm hỏi, động viên phụ huynh cho con em họ đi học. Với những trường hợp bỏ học, cô giáo lại đến tận nhà để vận động rồi đón xuống trường. Mặt khác, Nhà trường có nhiều hình thức động viên, khuyến khích các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng những suất quà…Tất cả những gì làm được cho các em, Nhà trường đều đã cố gắng hết sức để “giữ chân” học sinh. Năm học 2008-2009, toàn Trường có đến 15 học sinh bỏ học, đến năm học này con số ấy đã giảm nhưng vẫn còn khá cao (11 em).
Trước đây, tỷ lệ học sinh bỏ học còn nhiều là do điều kiện kinh tế của các gia đình và đường sá đi lại còn quá khó khăn. Các trường hợp tự ý bỏ học chủ yếu là ở các bản xa Trường như: bản Tèn, Liên Phương… công tác vận động các em trở lại Trường gặp nhiều trở ngại. Có nhà các thầy cô lên mấy lần mà không thể gặp được phụ huynh do họ đi làm nương rẫy. Có một số gia đình thiếu lao động bắt các em phải nghỉ học để phụ giúp. Học sinh ở các xóm xa muốn đến học thì ở nhờ nhà người thân hoặc gia đình phải dựng lều cạnh trường để con em mình trọ học. Nhiều phụ huynh lo ngại vì vừa tốn kém lại không có người quản lý. Hiểu được điều này, từ năm 2004, Ban giám hiệu Nhà trường đã vận động phụ huynh quyên góp dồn tiền, vật liệu để dựng lên 1 nhà gỗ 2 gian cho các em ở trọ. Gian nhà đó gọi là khu nội trú dân nuôi, chỉ có thể chứa được 20 em, số đông còn lại vẫn phải ở trọ bên ngoài. Năm 2006, khu nội trú đã được làm thêm 2 gian nữa giải quyết chỗ ở cho thêm 20 học sinh. Năm học 2009-2010 này, các em học sinh đã được ở trong khu nội trú dân nuôi của Trường trong căn nhà cấp 4 kiên cố được ngăn thành 3 gian. Mỗi gian có thể ở được trên 20 học sinh. Nhà trường còn dành thêm 1 phòng của khu tập thể giáo viên cho các em khác trọ. Như vậy, Trường đã thu xếp được 80 chỗ ở cho các em. Vấn đề trọ học của học sinh xa nhà về cơ bản đã được giải quyết.
Cô Vũ Thị Thanh Huyền, cán bộ Y tế học đường kiêm phụ trách khu nội trú dân nuôi cho biết: Mỗi phòng rộng khoảng 24 m2 mà phải chứa tới 21, 22 học sinh là hơi quá tải, mùa đông còn đỡ, mùa hè nóng nực, cũng khổ cho các em. Nhưng bù lại, học sinh ở xa nhà đến đây sống trong tập thể, được chúng tôi quan tâm, quản lý, các em có ý thức hơn trong học tập cũng như trong sinh hoạt.
Trở lại câu chuyện của 2 em Vinh và Ké vừa được cô chủ nhiệm Lâm Thị Thái lên tận nhà đón xuống trường, em Vinh cho biết: Nhà có 7 anh chị em. Mỗi tuần em đi học được bố mẹ cho 10 nghìn đồng để mua thức ăn, còn gạo thì mang từ nhà. Mấy lần về nghỉ cuối tuần, bố mẹ bảo em ở nhà để đi phát nương, trồng cây. Mấy lần em nghỉ học, cô Thái lại lên nhà đón xuống. Lần này được cô đón xuống để học và thi cuối kỳ, cô còn cho gạo và tiền mua thức ăn nữa. Sang phòng kế bên, em Ngô Tịnh và Vương Văn Mái, dân tộc Mông ở Bản Tèn cùng học lớp 6, nhà đều đông anh em, kinh tế gia đình rất khó khăn. Hai em nấu cơm ăn chung với nhau. Hàng tuần, mỗi em được bố mẹ chu cấp 15 nghìn đồng góp lại để mua thức ăn, gạo thì cũng mang từ nhà. Đó cũng là hoàn cảnh chung của học sinh trong khu nội trú. Các em khoảng 2, 3 người (thường là anh em, họ hàng gần) nấu ăn chung với nhau nhưng chỉ có một khu bếp nên các em phải chờ nhau. Cũng may các em đều được các cô chỉ bảo, nhắc nhở thường xuyên nên rất có ý thức nhường nhau.
Chia tay Văn Lăng, chúng tôi vẫn còn nghĩ đến câu chuyện của 2 học sinh Lý Thị Vinh và Ngô Thị Ké, mong sao các em cũng như bao học sinh là con em của các gia đình khó khăn khác sẽ không bị dở dang chuyện học hành. Và cũng hy vọng rằng với tất cả những gì thầy cô, Nhà trường đã và đang nỗ lực sẽ đưa các em vượt mọi khó khăn để đến bến bờ tri thức…