Nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo viên

08:41, 13/07/2010

Trong những năm qua, ngành Giáo dục Thái Nguyên đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa, đặc biệt chú trọng đến nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lương tâm, tay nghề của nhà giáo, coi đây là giải pháp then chốt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Trong tổng số 18.154 cán bộ, giáo viên của toàn ngành thì có tới 14.617 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Về số lượng giáo viên như trên cơ bản đủ trên một lớp theo định mức: tiểu học 1,5; THCS 1,9; THPT 2,25 để dạy đủ các môn học theo chương trình quy định, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Xác định rõ để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, ngành Giáo dục đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh quyết định một số chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên đi đào tạo đạt chuẩn và nâng chuẩn. Cụ thể, ngoài các chính sách theo hiện hành, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quy định riêng giúp đỡ giáo viên bằng cách chỉ đạo ngành Giáo dục hướng dẫn các nhà trường thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi của ngành theo quy định của Nhà nước cho giáo viên đi học nếu họ tham gia dạy đủ 1/3 số giờ theo quy định (Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định nếu giáo viên đi học từ 3 tháng trở lên không được hưởng tiền phụ cấp ưu đãi), giúp cán bộ, giáo viên đi học có thêm tiền trang trải cho quá trình học tập; giải quyết nhanh, gọn các thủ tục cho giáo viên đi học. Ngoài ra, Ngành còn cho đi đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu của cá nhân mà người đi học không cần hỗ trợ kinh phí, chỉ đề nghị nhà trường tạo điều kiện bố trí, sắp xếp hợp lý về mặt thời gian giảng dạy. Với các giải pháp đồng bộ trên, trong 5 năm qua, có hàng nghìn giáo viên được cử đi học đạt chuẩn và nâng chuẩn.

 

Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Ngành đã thực hiện tốt công tác bồi dưỡng thường xuyên theo chu kỳ để giáo viên cập nhật kiến thức chuyên môn mới. 4 năm qua đã có 2.630 cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, thanh tra, thư viện, thiết bị thí nghiệm, công tác công đoàn, đoàn, đội. Cùng với đó, Ngành đã thường xuyên tổ chức các hội thi giáo viên sử dụng thiết bị thí nghiệm giỏi ở bậc THCS, THPT, thi tổng phụ trách Đội giỏi, thi giáo viên dạy giỏi ở các cấp học, bậc học. Qua các hội thi, cũng là dịp để Ngành kiểm tra lại việc giảng dạy ở các nhà trường.

 

Một trong các giải pháp được nhiều trường lựa chọn để quản lý chuyên môn của giáo viên chính là thông qua việc dự giờ. Việc dự giờ không chỉ giúp cho giáo viên dự giờ học tập, rút kinh nghiệm từ tiết dạy của đồng nghiệp mà còn giúp họ biết cách sáng tạo trong xử lý các tình huống trong dạy học trước cùng một câu hỏi đặt ra, tùy từng đối tượng học sinh mà giáo viên có thể giúp các em trả lời câu hỏi theo hướng khác nhau, khắc phục những thiếu xót trong quá trình giảng dạy”. Dự giờ đúng là một trong những giải pháp rất hiệu quả để nâng cao chất lượng giảng dạy. Bởi để có một bài giảng thuyết phục, ngoài các sách hướng dẫn soạn bài theo quy định, giáo viên phải cập nhật các kiến thức mới từ nhiều lĩnh vực bổ trợ vào tiết giảng. Sau mỗi giờ dạy, các tổ chuyên môn tổ chức họp rút kinh nghiệm, đóng góp ý kiến cho đồng nghiệp, rồi cùng nhau tìm ra biện pháp hiệu quả nhất xây dựng từng bài giảng.

 

Thế nhưng, qua khảo sát của chúng tôi việc dự giờ của giáo viên nói chung chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Nhiều giáo viên còn chưa tự giác dự giờ của đồng nghiệp bởi tâm lý e ngại, nếu mình dự giờ tức là kiểm tra tiết dạy của đồng nghiệp. Dự giờ phải mang tính chất thường xuyên, tuy nhiên việc làm này ở nhiều trường chỉ được tiến hành vào các dịp kỷ niệm như: 20-11, 8-3, 20-10…với tính chất “thao giảng” để chào mừng các ngày kỷ niệm lớn. Và thực tế, ở một số nhà trường, trước khi dự giờ, thì nhiều nhóm, tổ chuyên môn cùng nhau thiết kế một giáo án cho giáo viên lên lớp tập giảng nhiều lần. Bởi vậy, bài giảng đó chỉ là mẫu mà không kiểm tra được năng lực thực của người dạy, kiến thức mang tính chất “vay mượn” của người khác. Sau tiết dạy, tập thể góp ý, nhận xét, đánh giá, xếp loại giờ dạy vẫn còn hiện tượng xuê xoa, xuôi chiều cho "đẹp lòng nhau". Nhiều giáo viên dự giờ nhưng lại không đóng góp ý kiến nhận xét cho đồng nghiệp, với tâm lý "dễ người, dễ ta". Với những bài giảng thiết kế giáo án chung, nếu đóng góp ý kiến phê bình điểm yếu của đồng nghiệp lại hoá ra là phê bình mình.

 

Đến thời điểm hiện nay Thái Nguyên là một trong ít tỉnh, thành trong toàn quốc có 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó tỷ lệ trên chuẩn ở các cấp học, bậc học cũng khá cao: mầm non 40,72%, THCS 54,15%, cao nhất là tiểu học tỷ lệ trên chuẩn đạt tới 76,23%, thấp nhất là THPT 11,50%. Thế nhưng, đây cũng chỉ là chuẩn về đào tạo, còn để chất lượng giáo dục được nâng lên theo hướng thực chất hơn thì còn rất nhiều yếu tố khác, trong đó năng lực thực của giáo viên mới là điều đáng quan tâm. Hiện nay, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ban hành chuẩn nghề nghiệp cho ngành học mầm non, tiểu học và mới đây là giáo viên trung học. Việc đánh giá, xếp loại giáo viên được thực hiện vào cuối của mỗi năm học. Đây là cơ sở để các nhà trường đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, từ đó có những biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên về mọi mặt. Có thể khẳng định, ngoài những giải pháp mà ngành Giáo dục đang thực hiện khá hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ như hiện nay như: Cử giáo viên đi học nâng chuẩn, bồi dưỡng thường xuyên, tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp…