Những chuyện hy hữu trong mùa thi

07:43, 08/07/2010

Trong cơn đau ruột thừa, một thí sinh Học viện Hàng không TP HCM vẫn cố gắng đến phòng thi. Xong ngày thi đầu, cô gái được cảnh sát "hộ tống" đến bệnh viện.

 

Nguyễn Hồ Phương Anh (học sinh một trường THPT dân lập tại TP HCM) dự thi vào Học viện Hàng không. Vì không muốn bỏ lỡ kỳ thi quan trọng sau 12 năm học tập nên Phương Anh đã cố gắng đến trường làm bài mặc dù bụng vẫn quặn đau từng cơn.

 

Chị Hồ Thị Mai, mẹ Phương Anh cho biết, con gái đau bụng từ tối thứ bảy tuần trước nhưng gia đình cho là ăn phải đồ lạ. Sáng chủ nhật (4/7), chị vẫn cho con đi thi bình thường, đến trưa thì thấy con đau quá, vã mồ hồi nên đưa đi khám gấp. Bác sĩ chuẩn đoán nữ sinh bị viêm ruột thừa và phải mổ vào 16h chiều cùng ngày.

 

"Tôi ngăn cản cháu thi tiếp buổi chiều vì sợ lỡ có chuyện gì xảy ra sẽ rất nguy hiểm. Nhưng con bé một mực đòi đi, còn dọa mẹ nếu không cho thi thì không chịu mổ. Tôi đành chịu", chị Mai kể.

 

15h30 ngày 4/7, Phương Anh cố gắng hoàn thành sớm bài thi Lý, được các cán bộ y tế, công an nhanh chóng đưa đến bệnh viện để kịp giờ mổ theo giấy hẹn của bác sĩ. Ngay chiều hôm đó Phương Anh được mổ bằng phương pháp nội soi. Nhiều cán bộ trường thi nghĩ rằng em sẽ phải bỏ cuộc vì khó có thể dự thi tiếp ngay sau khi vừa mổ. Tuy nhiên, sáng 5/7 em vẫn đến trường dự thi môn Hóa trong khi người đang bị băng bó.

 

Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, Phương Anh dường như kiệt sức, huyết áp tụt xuống chỉ còn 70. Em lập tức được đưa trở lại bệnh viên để chăm sóc. Sức khỏe đang hồi phục.

 

"Một người mổ ruột thừa bình thường ít nhất cũng phải mất mấy ngày mới phục hồi sức khỏe. Không hiểu vì sao em này lại can đảm đến thế", Phó chủ tịch hội đồng thi Học viện Hàng không Lưu Trung nói.

 

Phương Anh tâm sự khá tự tin vào hai môn thi đầu tiên, nhưng bài thi Hóa em làm không được tốt vì trong người quá mệt. "Lúc đó em đã bị hoa mắt và không thể nghĩ thêm được gì", em chia sẻ.

 

Tương tự, tại hội đồng thi trường Nguyễn Thiện Thuật của ĐH Marketing, thí sinh Võ Thị Hoàng Ly đang làm bài thi cũng bị lên cơn đau dữ dội, bụng bị ứ nước do có bệnh thận khiến phải nhập viện gấp để điều trị. Sự việc xảy ra trong thời gian làm bài, nên hội đồng thi phải cuống cuồng chuẩn bị và bố trí nhiều người áp tải. Trong đó có cả công an để bảo mật an toàn cho đề thi.

 

Theo ghi nhận, kỳ thi năm nay có khá nhiều trường hợp thí sinh gặp rắc rối với vấn đề sức khỏe. Riêng tại ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, ngay trong buổi thi đầu tiên có 3 thí sinh rơi vào tình trạng bị tiêu chảy phải ra vào phòng thi liên tục khiến giám thị cũng "chóng mặt".

 

Ngoài chuyện bệnh tật khó tránh thì có nhiều chuyện hy hữu xảy ra do sự bất cẩn của thí sinh. Một số thí sinh sau khi làm bài xong, quá vui mừng, vội gọi điện báo cáo thành tích cho gia đình mà quên mất mình đang trong phòng thi. Ngay lập tức, họ bị giám thị bắt vì vi phạm quy chế mang điện thoại vào phòng thi.

 

Chuyện hy hữu không chỉ xảy ra với các thí sinh, một giám thị của ĐH Tây Nguyên đã xé bài thi của thí sinh vì nhầm đây là tờ giấy nháp. Bài thi của thí sinh này sẽ được dán lại và chấm bình thường giống các bài thi khác. Cán bộ vi phạm bị đình chỉ.

 

Tại điểm thi Học viện Hành chính quốc gia (Hà Nội) có một phòng thi đặc biệt được trang bị máy ghi âm, camera. Hai giám thị coi thi và một giám thị trực tiếp trao đổi, "hợp tác" với thí sinh duy nhất là Hoàng Minh Quang, sinh năm 1987, Phó chủ tịch Hội người mù tỉnh Hòa Bình. Với ước mơ được vào giảng đường ĐH, Quang đã đăng ký dự thi ngành hành chính học và hồ sơ được nhà trường đón nhận.

 

TS Nguyễn Trịnh Kiểm, Trưởng ban đào tạo Học viện Hành chính quốc gia cho biết, nhà trường rất tự hào vì không chỉ người bình thường mà những em khuyết tật cũng quan tâm, vẫn muốn là sinh viên của trường. Trường cũng đã cố gắng hết sức để thí sinh Hoàng Minh Quang làm tốt bài thi.

 

"Tuy nhiên, chúng tôi cũng bị động trong công tác chuẩn bị các điều kiện cho thí sinh này. Việc chuẩn bị phòng thi riêng cho một thí sinh như vậy cũng tương đối tốn kém. Bộ GD&ĐT nên tổ chức cho các thí sinh khiếm thị thi tập trung tại một điểm nhằm làm tốt hơn công tác chuẩn bị cũng như khâu chấm thi", ông Kiểm nói.