Vốn điều lệ của trường ĐH tư thục tối thiểu là 50 tỷ đồng

10:44, 18/07/2010

Ngày 16/7, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư Quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục. Đáng chý ý, trường tư thục đăng ký thành lập phải có vốn điều lệ tối thiểu 50 tỷ đồng.

 

Thông tư này áp dụng đối với các trường đại học dân lập quy định tại Điều 1 của Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg ngày 29/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục.

 

Theo quy định của Thông tư, trường đại học dân lập có trách nhiệm thông báo kế hoạch chuyển đổi cho người học, cán bộ và giảng viên của nhà trường biết để đảm bảo sự hoạt động bình thường của nhà trường trong và sau khi quá trình chuyển đổi kết thúc. Việc chuyển đổi không được gây gián đoạn cho quá trình học tập của người học.

 

Sau khi chuyển đổi, trường đại học tư thục có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các cam kết pháp lý trước đây của trường đại học dân lập với các tổ chức, đơn vị, cá nhân về các khoản nợ, tài chính, tài sản, hợp đồng lao động, quyền và nghĩa vụ đối với người học và xây dựng phát triển trường như đã cam kết tại đề án thành lập trường.

 

Từ thời điểm chuyển đổi, trường đại học tư thục duy trì mức đóng học phí của người học như trường đại học dân lập đã quy định cho đến kết thúc học kỳ hoặc kết thúc năm học. Trong học kỳ hoặc năm học tiếp theo, nhà trường quy định mức đóng học phí theo quy định của pháp luật và thông báo công khai trước cho người học biết.

 

Về quyền lợi của tổ chức bảo trợ việc thành lập trường, tổ chức có quyền góp vốn bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để trở thành cổ đông của trường đại học tư thục. Tổ chức đứng tên bảo trợ việc thành lập trường đại học dân lập không góp vốn thì không còn quyền và nghĩa vụ đối với trường đại học tư thục.

 

Tổ chức bảo trợ thành lập trường, các cá nhân có công trong việc thành lập và xây dựng trường, các thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường đại học dân lập trước đây đã góp vốn nhưng đã chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác thì không được hưởng quyền ưu tiên góp vốn, trừ trường hợp nhà trường có nhu cầu huy động thêm vốn khi trường chuyển sang loại hình trường tư thục.

 

Cũng theo Thông tư, Hội đồng quản trị trường đại học dân lập quyết định quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của trường đại học tư thục. Vốn điều lệ được xác định không dưới 50 tỷ đồng. Trường hợp tiền vốn đóng góp ban đầu và đóng góp trong quá trình hoạt động của nhà trường từ các tổ chức, cá nhân chưa đủ vốn điều lệ như trên thì Hội đồng quản trị trường đại học dân lập tiến hành việc huy động vốn theo thứ tự ưu tiên như sau: Tổ chức bảo trợ việc thành lập trường, cá nhân có công trong việc thành lập, xây dựng trường đại học dân lập và thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm; Người đã góp vốn; Giảng viên, cán bộ cơ hữu của trường.

 

Trường hợp tiền vốn đóng góp ban đầu và đóng góp trong quá trình hoạt động của nhà trường từ các tổ chức, cá nhân bằng hoặc cao hơn vốn điều lệ như quy định và trường không có nhu cầu huy động thêm vốn, Hội đồng quản trị trường đại học dân lập giải quyết quyền được góp vốn cho tổ chức bảo trợ việc thành lập trường, các cá nhân có công trong việc thành lập, xây dựng trường đại học dân lập và thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm.

 

Về trình tự, thủ tục chuyển đổi, Hội đồng quản trị trường đại học dân lập có trách nhiệm nộp 6 bộ hồ sơ chuyển đổi về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đề án chuyển đổi, trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển đổi loại hình trường.

 

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2010.