6 nhà toán học có khả năng giành huy chương Fields

14:28, 16/08/2010

Ngô Bảo Châu cùng 5 nhà toán học khác là những ứng cử viên sáng giá có thể giành huy chương Fields trong Đại hội Toán học Quốc tế năm nay.

 

Huy chương Fields là giải thưởng toán học được trao cho những nhà toán học không quá 40 tuổi có thành tựu đặc biệt về toán. Giải được trao tại Đại hội Toán học Quốc tế của Hiệp hội Toán học Quốc tế, diễn ra 4 năm một lần, và mỗi lần chỉ tối đa 4 người được giải. Đại hội năm nay khai mạc ngày 19/8 tại Ấn Độ.

 

Huy chương Fields được đánh giá là giải thưởng toán học uy tín nhất thế giới. Trước thềm Đại hội Toán học Quốc tế 2010, trang vnmath.com và mathvn.com (Tạp chí Toán học) đều cho rằng sẽ có 6 nhà toán học có khả năng được trao huy chương Fields. Trong số này chỉ có giáo sư Ngô Bảo Châu, người Việt Nam, và một nhà toán học người Brazil được đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể.

 

1. Ngô Bảo Châu (Việt Nam)

 

 Nhà toán học Việt Nam chào đời năm 1972 tại Hà Nội và từng giành huy chương vàng trong hai kỳ thi Olympic Toán quốc tế vào năm 1988 và 1989. Anh bảo vệ luận án tiến sĩ ở tuổi 25 tại Đại học Sư phạm Paris, Pháp. 6 năm sau anh hoàn thành luận án tiến sĩ khoa học năm 2003 tại Đại học Paris 11, Pháp.

 

Bảo Châu giành giải thưởng Toán học Clay năm 2005 cùng giáo sư Gerard Laumon - thầy của anh tại Đại học Paris 11 - sau khi giải quyết được một trường hợp của Bổ đề cơ bản Chương trình Langland. Sau đó anh giành các giải thưởng của Viện Nghiên cứu Toán học Oberwolfach dành cho các nhà toán học trẻ Châu Âu (2007) và giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp (2008).

 

Năm 2005 Bảo Châu được đặc cách công nhận là giáo sư toán học khi mới 33 tuổi và trở thành giáo sư trẻ nhất tại Việt Nam.

 

Tạp chí Time của Mỹ xếp công trình chứng minh Bổ đề cơ bản Chương trình Langland vào nhóm "10 phát minh khoa học tiêu biểu nhất năm 2009". Bổ đề cơ bản này đã tồn tại hơn 30 năm và chưa có nhà toán học nào chứng minh thành công. Thành tựu của Bảo Châu đưa Chương trình Langland sang một trang mới.

 

2. Christopher Hacon (Anh)

 

 

Giáo sư Christopher Hacon. 

 

Chào đời năm 1970 tại Manchester, Anh, Hacon lấy bằng tiến sĩ tại Đại học California, Mỹ vào năm 1998. Anh nhận giải Clay năm 2007 và giải Cole của Hiệp hội Toán học Mỹ năm 2009. Hiện tại Hacon làm việc tại Đại học Utah, Mỹ. Ngoài ra anh còn làm biên tập viên cho tạp chí Hình học đại số và tạp chí của Hiệp hội Toán học Mỹ.

 

Các giải thưởng của Hacon bao gồm giải Sloan của Quỹ Alfred P. Sloan vào năm 2003, giải thế kỷ của Hiệp hội Toán học Mỹ năm 2006.

 

3. Artur Avila (Brazil)

 

 

Ảnh: impa.br.

 

Avila chào đời năm 1979 và giành huy chương vang Olympic Toán quốc tế ở tuổi 16. Anh lấy bằng tiến sĩ tại Viện Toán học thuần túy và ứng dụng quốc gia Brazil ở tuổi 22. Hiện anh làm việc tại Viện Toán học Clay ở Mỹ.

 

Lĩnh vực nghiên cứu của Avila bao gồm Lý thuyết các hệ thống động và Lý thuyết quang phổ. Các giải thưởng nổi bật của anh gồm: giải Salem (2006), giải của Hiệp hội Toán học châu Âu (2009), giải Herbrand của Viện Khoa học Pháp (2009).

 

4. Ben Joseph Green (Anh)

 

 Green chào đời vào năm 1977 và giành hai huy chương bạc Olympic Toán quốc tế ở tuổi 17 và 18. Anh tốt nghiệp khoa Toán tại Đại học Cambridge, Anh với tấm bằng cử nhân năm 1998 và bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường này năm 2003.

 

Green từng công bố nhiều nghiên cứu quan trọng về cả Toán tổ hợp và Lý thuyết số. Năm 2004 anh cùng Terence Tao - nhà toán học Australia từng đoạt huy chương Fields năm 2006 - chứng minh rằng tồn tại một cấp số cộng các số nguyên tố có độ dài bất kỳ. Công trình của họ (gọi là định lý Green - Tao) được đánh giá là một bước đột phá của Toán học trong năm 2004.

 

Các giải thưởng đáng chú ý: giải Clay (2004), giải Salem (2005), giải SASTRA Ramanujan (2007) của Viện Nghệ thuật, Khoa học và Công nghệ Shanmugha, Ấn Độ, giải của Hiệp hội Toán học châu Âu (2008).

 

5. Manjul Bhargava (Canada)

 

 

Ảnh: wikimedia.org.

 

Sinh năm 1974 tại Ontario, Canada, chàng trai người Canada gốc Ấn Độ đang làm giáo sư Toán tại Đại học Princeton, Mỹ. Anh là giáo sư trẻ nhất trong lịch sử của trường này.

 

Bhargava tốt nghiệp Đại học Harvard, Mỹ năm 1996 và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Princeton, Mỹ vào năm 2001. Lĩnh vực nghiên cứu của anh bao gồm: Toán tổ hợp, Lý thuyết số Đại số, Cấu trúc đại số, Lý thuyết biểu diễn.

 

Anh từng đoạt giải Morgan dành cho sinh viên toán xuất sắc (1996), giải Hasse (2003), giải Clay (2005), giải thưởng Cole của Hiệp hội Toán học Mỹ (2008).

 

6. Danny Calegari (Australia)

 

 

Ảnh: caltech.edu.

 

Calegari sinh năm 1972 tại Australia và đang làm giáo sư Toán tại Viện Công nghệ California, Mỹ. Anh lấy bằng cử nhân Toán tại Đại học Melbourne, Australia và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học California, Mỹ vào năm 2001. Sau đó Calegari làm việc tại Đại học Harvard, Mỹ từ năm 2000 tới 2002. Anh nhận giải Clay năm 2009 do những đóng góp về Hình học Topo và Lý thuyết nhóm trong hình học

 

Ngoài toán học Calegari còn viết nhiều truyện ngắn. Tác phẩm của anh được đăng trên ba tạp chí tại Australia.

 

 



Tìm hiểu kỳ thi tiếng anh ielts