Chương trình tiểu học 1 buổi/ngày phải đảm bảo mỗi tháng các em có 4 tiết hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đối với lớp tiểu học 2 buổi/ngày, thời lượng tổ chức dạy học không quá 7 tiết/ngày. Đó là một trong những quy định của Bộ GD&ĐT đối với giáo dục tiểu học vừa được ban hành ngày 18/8
Căn cứ khung kế hoạch thời gian năm học 2010-2011 của Bộ, Giám đốc Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch thời gian năm học của tỉnh, trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định theo tinh thần: đảm bảo thời lượng thực học, thời điểm kết thúc năm học, thời gian nghỉ hè; phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tập quán văn hoá của địa phương. Trong trường hợp đặc biệt như: thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, dịch bệnh…, Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định cho học sinh nghỉ học và bố trí dạy học bù.
Đối với các trường, lớp dạy học 1 buổi/ ngày, tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông. Nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (4 tiết/ tháng) được thực hiện tích hợp vào các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thủ công/Kĩ thuật, theo hướng dạy học phù hợp điều kiện thực tế địa phương và nhà trường.
Đối với trường, lớp tiểu học dạy học 2 buổi/ngày, thời lượng dạy học không quá 7 tiết/ngày tại hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2010-2011 đối với giáo dục tiểu học vừa được ban hành.
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, đối với những vùng khó khăn, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày nhằm tăng thêm thời lượng học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học, chủ yếu để củng cố kiến thức, kĩ năng môn Tiếng Việt, Toán hoặc tăng cường tiếng Việt.
Đối với thành phố, những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, ngoài việc củng cố, ôn luyện kiến thức, kĩ năng cần tăng thời lượng cho việc bồi dưỡng học sinh có năng khiếu; tổ chức hoạt động ngoại khoá, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ…nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
Khuyến khích tổ chức bán trú cho học sinh. Ở những vùng dân tộc, miền núi cần nhân rộng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú với sự kết hợp đầu tư từ ngân sách, sự đóng góp của gia đình và sự hỗ trợ từ các lực lượng xã hội. Nhà trường cần tăng cường kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm để đảm bảosức khoẻ học sinh.
Thực hiện chương trình các môn học một cách linh hoạt, đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn giáo dục địa phương theo hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học ở tiểu học của Bộ.
Các trường tiểu học được chọn thí điểm chương trình Tiếng Anh tiểu học mới của Bộ thực hiện nghiêm túc quy định 4 tiết/ tuần.
Các trường khác chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn nội dung, chương trình, tài liệu dạy học trên cơ sở phù hợp điều kiện thực tế và nhu cầu chính đáng của học sinh theo hai phương án. Phương án 1: Thực hiện dạy học ngoại ngữ tự chọn từ lớp 3, thời lượng 2 tiết/ tuần, hoặc nhiều hơn 2 tiết/ tuần. Phương án 2: Khuyến khích triển khai các chương trình tiếng Anh tăng cường và làm quen tiếng Anh bắt đầu từ lớp 1 ở những nơi có điều kiện và có nhu cầu của học sinh.